Dự án Luật Tổ chức Quốc hội: Đề cao tính độc lập và trách nhiệm của ĐBQH

Ngày 22-10, Quốc hội dành phần lớn thời gian làm việc để nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội. Trong ngày, Quốc hội cũng đã nghe các tờ trình về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Dự án Luật Tổ chức Quốc hội: Đề cao tính độc lập và trách nhiệm của ĐBQH

Ngày 22-10, Quốc hội dành phần lớn thời gian làm việc để nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội. Trong ngày, Quốc hội cũng đã nghe các tờ trình về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

ĐBQH phải là người có chính kiến

Tại phiên họp, đa số ý kiến đề nghị quy định rõ vào luật về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đặc biệt là ĐBQH chuyên trách. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nhận xét: “Quy định như dự luật còn chung chung quá, ĐBQH cũng không khác gì công chức khác. Phải nêu rõ ĐBQH phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Để mỗi khi bấm nút ĐBQH phải nghĩ đến tất cả các lợi ích  để quyết định chính xác, công tâm. Về trình độ năng lực, yêu cầu quan trọng đặt ra với ĐBQH là phải thể hiện được chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động; có năng lực làm đại diện cho cử tri và nhân dân”. ĐBQH cần phải có khả năng “nhả tơ, cho mật”, có năng lực sáng tạo, đóng góp cụ thể mang dấu ấn cá nhân của mỗi ĐBQH cho hoạt động của Quốc hội. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nhấn mạnh, tiêu chuẩn của ĐBQH chuyên trách còn phải cao hơn. Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị: “Tỷ lệ ĐBQH chuyên trách từ 35% trở lên là hợp lý, nhưng cần phải quy định thêm tỷ lệ ĐBQH không phải là cán bộ công chức để tăng tính độc lập, phản biện trong hoạt động dân biểu”.

Nhấn mạnh đến việc ĐBQH cần chịu sự giám sát của cử tri, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) kiên trì nhắc lại một kiến nghị ông đã nêu nhiều lần: Biểu quyết công khai. ĐB Dương Trung Quốc phân tích, trừ một số ít trường hợp bỏ phiếu kín, còn lại nên quy định Quốc hội biểu quyết công khai để cử tri có thể biết được người đại diện cho mình có thể hiện đúng quan điểm, nguyện vọng của mình hay không. Điều này rất dễ thực hiện bằng một phần mềm điện toán hiển thị rõ ý kiến biểu quyết của từng ĐBQH.

Liên quan đến đoàn ĐBQH, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đồng tình với việc tạo cơ chế, điều kiện hoạt động tốt hơn, nhưng nhấn mạnh: “Đoàn ĐBQH không phải cơ quan thuộc hệ thống hành chính nên Trưởng đoàn không phải thủ trưởng hành chính của các ĐBQH. Phải thể hiện rõ điều này trong các quy định mới liên quan đến trưởng đoàn ĐBQH. Tôi rất phân vân, quy định như thế này không khéo làm giảm trách nhiệm cá nhân của ĐBQH”. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại khẳng định vai trò, vị trí của đoàn ĐBQH và đề nghị “Đoàn ĐBQH có trụ sở, con dấu riêng, chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có văn phòng đoàn ĐBQH”. 

“Có thể” hay “phải” từ chức?

Về lấy phiếu tín nhiệm, theo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa (hoặc 2/3) tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, theo ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), luật phải khẳng định rõ chứ không nên đưa ra 2 lựa chọn. Nên thay đổi từ không tín nhiệm “có thể từ chức” thành “phải từ chức” để thể hiện tính khẳng định. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng khi người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì nên cho từ chức; Quốc hội không cần thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm một lần nữa. Trong khi đó, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) đề nghị làm rõ quyền của ĐBQH trong việc kiến nghị đánh giá tín nhiệm và bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trường hợp ĐBQH hay một cơ quan Quốc hội cảm thấy không tín nhiệm Chính phủ hoặc thành viên Chính phủ thì kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm…

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ

Cùng ngày, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã trình Quốc hội dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi). Tại tờ trình, MTTQ Việt Nam vẫn còn một số vấn đề xin ý kiến Quốc hội. Trước 2 luồng ý kiến nên và không nên quy định về việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Luật MTTQ Việt Nam chỉ nên quy định về việc giám sát, tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy chế hoạt động của hệ thống nhà nước. Những vấn đề liên quan đến việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng nên để quy định trong các văn bản của Đảng như từ trước đến nay.

Cũng theo ông Vũ Trọng Kim, Luật MTTQ Việt Nam chỉ nên quy định về việc giám sát và tham gia góp ý với cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy chế hoạt động của hệ thống nhà nước.

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của mặt trận thì cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn cơ chế để MTTQ Việt Nam tham gia hoạt động, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với dự thảo luật không quy định việc mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng. 

 
 
Ngày 22-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày tờ trình về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Báo cáo thẩm tra dự án luật này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về tài nguyên, môi trường biển…

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân (ĐBQH TPHCM) cho rằng, cần phải tính toán và xem xét kỹ lưỡng để có thể tăng lương tối thiểu cho người lao động. Hiện tại, trong các khoản chi ngân sách thì tới 67% dành cho chi thường xuyên (chi lương, công tác hành chính, đi công tác nước ngoài…). Nếu chúng ta “chắt chiu”, tiết giảm các khoản chi không cần thiết như chi cho khánh tiết, chi tổ chức lễ hội, chi tiếp khách… thì có thể tiết kiệm và khoản này sẽ dành cho chi trả lương.

PHAN THẢO

 
 
 

ANH THƯ - LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục