Rẻ, tiết kiệm chi phí, không gây ô nhiễm môi trường… là những ưu điểm mà xe điện có được so với xe máy chạy xăng. Nắm bắt thực tế đó, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (Sở KH-CN TPHCM) đã phối hợp với các đối tác Nhật Bản nhằm mục đích sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam. Kết quả thử nghiệm ban đầu cho kết quả tốt, nhưng chặng đường tiếp cận người tiêu dùng Việt không phải là dễ.
Tiết kiệm 90%
Sau hơn 6 tháng thử nghiệm tại TPHCM, dự án Nghiên cứu khả thi triển khai xe máy điện tại Việt Nam (dự án) đã kết thúc vào cuối tháng 2 vừa qua, đạt kết quả ngoài mong đợi với khả năng tiết kiệm chi phí hơn 90%. Đây là dự án do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (thuộc Sở KH-CN TPHCM) phối hợp triển khai với các đối tác của Nhật Bản (bao gồm Mitsubishi, Terra Motors và Myclimate Japan) theo cơ chế bù đắp tín dụng song phương (BOCM) Việt Nam – Nhật Bản.
Cụ thể, các chuyên gia của hai nước đã công bố kết quả thực nghiệm, với xe máy chạy xăng, hiệu quả năng lượng trung bình khoảng 40km/lít xăng, chi phí cho 1km khoảng 544,7 đồng/km, hệ số phát thải CO2 là 2,297kg CO2/lít xăng. Với xe máy điện, hiệu quả năng lượng trung bình khoảng 29km/kWh, chi phí cho 1km khoảng 43,1 đồng và hệ số phát thải CO2 là 0,5764kg CO2/kWh. Như vậy, tỷ lệ chi phí tiết kiệm tối thiểu cho 1km khi dùng xe máy điện là 90,61% so với dùng xe máy xăng. Tỷ lệ phát thải CO2 của xe máy điện thấp hơn 75% so với xe máy xăng.
Các chỉ số này khá tương đồng với những cuộc thực nghiệm trước đây tại Nhật Bản và một số nước trên thế giới. Riêng Quỹ phi lợi nhuận quốc tế về năng lượng, khí hậu Myclimate còn tính toán được rằng, nếu mỗi năm một người dân chạy 10.000km, với xe chạy xăng sẽ tiêu thụ 250 lít xăng, tương đương 250 USD/năm (5 triệu đồng/năm). Trong khi đó, cũng cùng quãng đường này, xe máy điện tiêu thụ 370 kWh điện năng, tương đương 30 - 40 USD/năm (0,6 - 0,8 triệu đồng/năm). Như vậy, khi sử dụng xe máy điện, mỗi năm người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được hơn 210 USD.
Nhân rộng... không dễ
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Việt Nam vẫn nhận định, để nhân rộng xe máy điện này không phải là dễ nếu không nắm bắt được sở thích cũng như thị trường trong nước. Bởi thực tế, loại xe này đã được nhập khẩu và bày bán trên thị trường Việt Nam từ lâu nhưng không được người tiêu dùng đón nhận. Có nhiều lý do dẫn đến điều này như hầu hết xe có xuất xứ từ Trung Quốc với những nhược điểm như pin có thời gian sử dụng ít (chỉ chạy được 20 - 30km), bình sạc không tiện dụng. Trong điều kiện khí hậu Việt Nam (độ ẩm cao), xe dễ chết máy, khó khăn về bảo trì… Ngoài ra, giá bán xe hiện còn khá đắt. Ngay xe máy điện được thử nghiệm tại TPHCM dự kiến khi thương mại hóa sẽ có giá trên 15 triệu đồng (tương đương 1 xe gắn máy đời mới).
Kỹ sư Diệp Thế Cường, chuyên viên Phòng Năng lượng mới, người trực tiếp thực hiện dự án cùng đối tác Nhật Bản, phải thừa nhận loại xe này tuy có nhiều ưu điểm hơn so với các loại xe máy điện trên thị trường như công suất lớn (600W/giờ); pin có thời gian sử dụng dài (80 - 90km); có thể sạc điện mọi lúc, mọi nơi; tốc độ xe đạt 40 - 50 km/giờ… nhưng giá bán cao vẫn là vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất.
Hiện nhà máy sản xuất xe máy điện của đối tác Nhật Bản đặt tại Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) đã đi vào hoạt động với công suất 1.000 xe máy điện/tháng. Dự kiến cung cấp các sản phẩm ra thị trường vào khoảng tháng 9-2013. Vì vậy, đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết phải tập trung truyền thông rộng rãi sự ích lợi của xe máy điện đến từng người, từng nhà. Trước mắt, xem xét phối hợp với Nhật Bản triển khai 1.000 xe máy điện cho cán bộ các sở, ngành trên địa bàn thành phố sử dụng… Điều này có thể tạo tiền đề cho việc sử dụng phổ biến xe máy điện tại Việt Nam trong tương lai.
Tường Hân