
"Hậu" cơn sốt giá gạo vừa qua gần như đã xác lập mặt bằng giá mới cho mặt hàng này trên thị trường nội địa, hiện nay giá gạo tại nhiều nơi vẫn cao hơn giá gạo trước cơn sốt 1.000 – 3.000 đồng/kg, tùy chất lượng gạo. Việc điều chỉnh giá xuống được mức nào thì còn phải phụ thuộc quy luật thị trường và việc dùng các công cụ thị trường. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định với báo giới bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII.
° Phóng viên: Những nguyên nhân đã gây lên "cơn sốt" gạo trong thời gian qua là gì, thưa Bộ trưởng?

° Bộ trưởng CAO ĐỨC PHÁT: Việc tăng giá gạo có nhiều yếu tố, bao gồm tác động của giá gạo trên thế giới, tác động tâm lý của người tiêu dùng và có cả yếu tố đầu cơ trong đó. Vừa qua, khi có cơn sốt về giá gạo, Chính phủ đã ngay lập tức đưa ra những biện pháp quyết liệt và đã hạ nhiệt được cơn sốt đó. Tuy nhiên, hiện nay giá gạo tại nhiều nơi vẫn cao hơn giá gạo trước cơn sốt từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, tùy chất lượng gạo.
Hiện tại Bộ NN-PTNT đang theo dõi sát sao việc này để tránh xảy ra tái diễn, đồng thời có biện pháp điều hòa lượng cung gạo tại các khu vực cho hợp lý. Mặt khác, cũng theo dõi sát biến động của giá gạo trên thế giới.
° Cơn sốt đã qua nhưng phải chăng người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận mặt bằng giá mới cao hơn?
° Giá cả còn phụ thuộc vào quy luật cung cầu trong và ngoài nước. Thị trường trong nước đang chịu tác động hàng ngày của giá gạo quốc tế. Việc điều chỉnh giá xuống được mức nào thì còn phải phụ thuộc quy luật thị trường và việc dùng các công cụ thị trường. Hiện nay, bộ cũng đang khẩn trương nghiên cứu để có được những chính sách phù hợp và hiệu quả.
° Vùng sản xuất lương thực miền Bắc và miền Trung gặp thiên tai triền miên trong thời gian qua và có thể dẫn đến mất mùa. Vậy theo ông lượng gạo tại ĐBSCL trong năm nay có đủ cung cấp cho nhân dân và cho xuất khẩu?
° Chỉ tiêu 4,5 triệu tấn gạo xuất khẩu/năm thực ra chỉ là con số dự báo trong trường hợp mùa màng thuận lợi. Thậm chí, ngay cả với đồng bằng sông Hồng, hiện nay lúa tốt nhưng hơn 400.000 ha lúa mùa lại đang bị sâu bệnh. Bộ cùng các địa phương cũng đang phải huy động tổng lực để phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ này. Quan điểm chúng ta trước hết là phải đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước, cung cấp đầy đủ gạo theo yêu cầu của nhân dân với giá hợp lý, và với số lượng có thể thì chúng ta xuất khẩu chứ không giữ trong nước. Sản lượng xuất khẩu cần theo dõi sát sao để cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng.
Về tổng thể tại Việt Nam, tôi xin khẳng định có đủ gạo cho nhân dân tiêu dùng và có dư để xuất khẩu với khối lượng lớn.
° Cảm ơn Bộ trưởng
ANH NHI
----------------------------------------------------
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:
Không ai quy định nhận tiền quà biếu rồi làm từ thiện
Nhận tiền quà biếu rồi làm từ thiện ở Cao Bằng và nộp lại tiền chạy chức ở Cà Mau là 2 trường hợp cụ thể được báo chí đặt vấn đề với Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bên lề diễn đàn kỳ họp Quốc hội ngày 6-5.
° PV: Trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lô Ích Giang báo cáo đã nhận 750 triệu đồng biếu xén và đã sử dụng 490 triệu đồng làm từ thiện có đúng luật không, thưa ông?

° Tổng Thanh tra TRẦN VĂN TRUYỀN: Tiền người ta biếu đều đưa cho văn phòng quản lý hết, sau đó lấy chi làm chính sách xã hội, có công khai, ghi chép đàng hoàng. Tôi cũng mới chỉ nghe thông tin như thế.
Quà tặng nếu là anh em bình thường thì pháp luật không cấm. Các dịp lễ, tết vẫn có chuyện tặng quà cho cơ quan này, anh lãnh đạo kia nhưng đôi khi trong quan hệ đó thường có chuyện lợi dụng tranh thủ tình cảm.
° Nhưng nếu việc này có thật thì việc nhận tiền rồi làm từ thiện có chấp nhận được không?
° Trong quy chế nhận và trả lại quà tặng có quy định trường hợp nào được nhận, trường hợp nào trả lại nhưng thường anh em xử lý việc này chưa đúng. Có người nhận, mang về đưa cho cơ quan rồi báo cáo chỗ này chỗ kia gây thêm chuyện phức tạp, đã không nhận là cương quyết không nhận. Còn đã nhận thì phải xem mình nhận đúng hay sai. Còn đã nhận rồi sau đó lại dùng tiền làm chính sách, từ thiện thì không ai quy định như thế. Vừa qua có một số người lợi dụng tiền nong để, như báo chí nói, chạy chức cũng có, chạy việc cũng có, thậm chí chạy tội cũng có. Vì vậy, quà tặng đã ít nhiều bị biến dạng đi.
° Nhưng với công chức, khó xử nhất khi nhận quà tặng là gì? Bởi Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng rất tự tin khi công bố chuyện nhận quà, trong khi dư luận thì phản ứng rất mạnh?
° Về chuyện này, tôi mới chỉ nghe thông tin trên báo chứ chưa có thanh tra, kiểm tra gì nên chưa thể bình luận được. Theo tôi, trong những quan hệ tình nghĩa bình thường mà người ta thấy rằng mối quan hệ đó không có gì đáng nghi ngại và với mức độ hợp lý, bình thường của cuộc sống thì đó là một việc rất bình thường, không nên đặt vấn đề một cách thái quá. Nhưng khi người ta có một điều gì đó bức xúc, chẳng hạn khiếu kiện, có một nhu cầu, động cơ đến mình mà người ta đặt ra có kèm theo quà tặng, thì nhất định không được nhận, nhất định phải xử lý theo quy định.
° Nhưng cũng rất khó để phân biệt rạch ròi chuyện "tình cảm" hay có "động cơ" khác?
° Đương nhiên là rất khó rạch ròi, nên đòi hỏi người nhận quà phải hiểu rằng người mình đang tiếp xúc là ai, quà tặng này người ta đặt ra vấn đề với mình có bình thường không. Nếu không bình thường mà mình cứ nhận, là sai rồi.
° Những người đã nói ra chuyện nhận tiền chạy chức như Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thì phải xử lý thế nào, thưa ông?
° Bây giờ chỉ có chuyện anh nhận hay không nhận, chứ anh nhận xong anh đem ra báo cáo với tổ chức, mà anh báo cáo không đúng quy định, tôi cho rằng đó là việc đáng phê bình bởi làm rối rắm thêm sự việc. Đáng trách ở chỗ anh biết động cơ người chạy chức rồi, anh vẫn cứ nhận, rồi anh đi báo cáo. Anh báo cáo như vậy vừa làm ảnh hưởng đến uy tín của anh, vừa làm phức tạp thêm cho tổ chức.
Bây giờ phải kiểm tra kỹ lại, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Chúng ta cần chờ các cơ quan chức năng kết luận xem mức độ vi phạm đến đâu
VIỆT LAN
--------------------------------------
ĐB Quốc hội Trần Du Lịch:
Toa thuốc đã có, nhưng phải uống đúng liều!
Trao đổi với báo chí về tính hiệu quả của các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ĐB QH Trần Du Lịch (TPHCM - ảnh) nhận định, các nhóm giải pháp mà Chính phủ (CP) đề ra là "toa thuốc đúng, vấn đề là các bộ, ngành có chịu uống thuốc đúng lúc, đúng liều hay không mà thôi".
° PV: Ông có bình luận gì khi CP cam kết giữ ổn định giá cả đến 30-6 nhưng chưa đưa ra phương hướng điều hành thị trường trong thời gian sau đó?

° ĐB TRẦN DU LỊCH: Tôi cho rằng cũng khó đưa ra phương án điều hành giá những tháng cuối năm ngay từ bây giờ. Giả sử CP cam kết không tăng giá dầu, nhưng giá thế giới hiện nay đang ở mức 120 USD/thùng, sắp tới nếu chạm mức 150 USD/thùng thì ngân sách Nhà nước cũng sẽ không thể bù giá mãi, mà cũng không nên làm như vậy vì sẽ tạo vùng trũng giá, khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới gia tăng. Trong trường hợp giá cả thế giới không thuận thì đúng như Thủ tướng đã nhấn mạnh, cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải cùng chia sẻ.
° Trong khi chủ trương của CP là thắt chặt đầu tư công để kiềm chế lạm phát thì nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước lại đang đầu tư tràn lan ngoài lãnh địa?
° Đúng là có tình trạng đó, mà Vinashin với khoản đầu tư 700 triệu USD ngoài lãnh vực chính của mình là một ví dụ điển hình. Vì thế mà tôi cho rằng cần chấm dứt việc Chính phủ bảo lãnh tín dụng.
° Nhưng siết chặt tín dụng lại khiến nhiều DN sản xuất hàng xuất khẩu thực sự bị thiếu vốn trầm trọng?
° Tư tưởng của CP là thắt chặt chính sách tín dụng, siết lại như vậy là đúng. Cần lọc ra những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư sản xuất thực sự với những "anh" vay để đầu cơ. Cũng phải nói thêm là chi phí sản xuất của các doanh nghiệp VN quá lớn so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Các nước khác trong khu vực, cùng điều kiện như chúng ta, thì hệ số ICOR đầu tư của họ ở mức dưới 3 trong khi chúng ta ở mức 4,5%, nghĩa là hiệu quả đồng vốn đầu tư của chúng ta kém hơn các nước trong khu vực tới 40%. Trong đó có hai nguồn đầu tư kém hiệu quả, một là từ ngân sách, hai là từ doanh nghiệp nhà nước, chiếm tới gần 60% lượng đầu tư toàn xã hội. Đây là điểm cần mổ xẻ thật kỹ, cắt giảm mạnh.
° Theo ông, lạm phát năm nay nên giữ ở mức nào là hợp lý?
° Tôi kỳ vọng năm nay có thể giữ ở mức dưới 15%, năm tới dưới 10% và giảm dần trong những năm sau
ANH THƯ