Du học sinh và áo dài

Con gái du học ngành âm nhạc, được các anh chị đi trước dặn dò: “Bên Mỹ cái gì cũng có, có thứ còn rẻ hơn ở Việt Nam. Nhưng nhớ mang theo đồ diễn. Đồ diễn bên ấy rất đắt, lại không hợp với vóc dáng phụ nữ châu Á!”. 

Con gái du học ngành âm nhạc, được các anh chị đi trước dặn dò: “Bên Mỹ cái gì cũng có, có thứ còn rẻ hơn ở Việt Nam. Nhưng nhớ mang theo đồ diễn. Đồ diễn bên ấy rất đắt, lại không hợp với vóc dáng phụ nữ châu Á!”. 

Vậy là hành trang con gái du học, có cả valy quần áo biểu diễn. Tôi xếp thêm cho con mấy bộ quần áo dài, dù số ký đã vượt quá quy định. “Mấy bộ áo dài rất đẹp nhưng con sợ không có dịp mặc ?!”. “Biết đâu có lúc con cần lại tìm không ra”. Tôi biết lúc ấy con gái nể mẹ nên không nỡ từ chối. Sau này, chính con cảm ơn tôi vì yêu áo dài mà đã lo xa. Đối với một nghệ sĩ piano, ngoài trình độ, kỹ thuật âm nhạc khi biểu diễn, trang phục phù hợp cũng là điều rất được chăm chút.

Qua Mỹ, có dịp con gái biểu diễn những tác phẩm âm nhạc viết cho piano của Giáo sư Hoàng Cương như Múa nàng trúc xinh. Biểu diễn những tác phẩm mang bản sắc dân tộc, con chọn trang phục áo dài. Từ Chicago, con gọi về : “Mẹ biết không, con mặc áo dài, mọi người thích lắm. Con rất xúc động khi được mọi người vỗ tay cổ động. Điều con vui nhất là giáo sư âm nhạc của con xin bản nhạc Múa nàng trúc xinh để dạy cho các sinh viên! Khi con biểu diễn tác phẩm này, khán giả rất thích, vì nó có gì đó rất Việt Nam, rất châu Á mẹ à !”. Tôi xúc động rơi nước mắt. Tôi hiểu mọi người vỗ tay hoan nghênh tiết mục trình diễn của con ở trường có sự dự phần của chiếc áo dài nữa. Tôi hình dung ra con gái bé nhỏ trong chiếc áo dài màu thiên thanh, bên cây đàn Grand, xung quanh là những người Mỹ và các sinh viên quốc tế. Tà áo dài, tiết tấu réo rắt, luyến láy, duyên dáng của nàng trúc xinh vang lên ở một góc trời xa lạ bên kia trái đất - những âm thanh, sắc màu, đường nét để đất nước Việt Nam hiện diện và tồn tại, dù chỉ là những nét chấm phá, bé nhỏ, mong manh, cũng đủ làm cho trái tim người mẹ ấm áp. Con gái hồn nhiên khoe: “Mẹ biết không, mỗi khi con mặc áo dài, ai cũng khen xinh. Không biết người ta có khen thật không. Thôi, cứ nghĩ người ta khen thật lòng để mình tự tin diện áo dài há mẹ!”.

Nguyễn Kỳ Nam (phải), sinh viên Đại học North Park (Mỹ), luyện tập nhạc phẩm Tình ca cùng em trai Nguyễn Đức Nam trước giờ thuyết trình ở Thái Lan vào năm 2016

Mùa hè năm 2016, Trường Đại học North Park (Chicago, Mỹ) gửi sinh viên qua trường Sathya Sai (Thái Lan) trải nghiệm mô hình giáo dục giá trị con người. Con gái Kỳ Nam gọi điện cho tôi, giọng đầy hào hứng: “Mẹ qua đây thăm con đi. Mẹ sẽ khám phá một nơi chốn bình yên nhất trái đất. Hơn nữa, cuối khóa học, đoàn học sinh quốc tế tổ chức buổi thuyết trình giới thiệu giá trị con người đất nước mình. Mẹ góp một tiết mục nghen!”. Tôi hỏi: “Ăn ở ra sao?”. “Trường ở tỉnh Lopburi, cách sân bay Bangkok khoảng 3 tiếng đi xe hơi. Trường sẽ cho xe đón. Ăn chay. Món chay ở đây rất ngon mẹ à!”. Tôi hỏi: “Mẹ muốn tặng chút quà lưu niệm cho trường, con nghĩ quà gì thích hợp?”. “Sách giới thiệu đất nước mình là món quà ý nghĩa nhất mẹ à!”.

Trước ngày đi, tôi ra Đường sách lùng mua một quyển giới thiệu Việt Nam bằng tiếng Anh. Tìm đỏ mắt, tôi chọn được vài quyển. Không có tác giả Việt Nam nào. Cuối cùng, tôi chọn quyển in đẹp nhất, của nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet, thầm nghĩ “quảng bá cho đất nước phải là những hình ảnh có ý nghĩa và tốt nhất”.

Kỳ Nam cặm cụi làm trình chiếu hình ảnh Việt Nam cho nhạc phẩm Tình ca của Phạm Duy. Tôi diễn một trích đoạn cải lương Dương Vân Nga thuyết phục các đại thần đoàn kết chống ngoại xâm, quyết không dâng nạp long bào của vua Đinh Tiên Hoàng cho giặc Tống. Cũng may, tiết mục Việt Nam khởi đầu nên được khán giả chú ý. Đức Nam chuẩn bị đi du học, được mẹ thưởng cho chuyến đi thăm chị Kỳ Nam ở Thái Lan, chịu khó mặc áo dài nam, đệm đàn cho chị hát.  Chúng tôi không phải là ca sĩ nhưng diễn bằng trái tim và nỗ lực đưa được áo dài Việt Nam lên sân khấu. Được mọi người trầm trồ khen áo dài Việt Nam đẹp, thật hạnh phúc và hãnh diện. Cuối buổi diễn, Kỳ Nam tiếc ngẩn ngơ: “Con quên mất, phải chi cho em trai con biểu diễn võ cổ truyền dân tộc, chắc chắn chương trình giới thiệu Việt Nam sẽ sống động hơn. Người ta sẽ hiểu Việt Nam là một dân tộc nhân văn, thượng võ”. Tôi ngớ người ra, an ủi con gái : “Ừ, mẹ cũng không nghĩ ra. Nếu năm sau có dự, mình sẽ dàn dựng phong phú hơn”. Trong chương trình văn nghệ bế mạc khóa học, các sinh viên quốc tế rất có ý thức dàn dựng tiết mục biểu diễn và trang phục dân tộc, bởi ai cũng nỗ lực giới thiệu vài nét chấm phá của dân tộc mình trong một cuộc hội ngộ công phu và hiếm hoi.

Ngồi dưới hàng ghế khán giả, tôi vô cùng xúc động khi nhìn thấy con thuyền biểu tượng sự kết nối các dân tộc được kéo qua sân khấu sau mỗi tiết mục biểu diễn. Bên những lá cờ Mỹ, Mexico, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ… bay phất phới, có lá cờ Việt Nam và bên những trang phục lộng lẫy, đầy màu sắc của các sinh viên quốc tế  trên sân khấu là tà áo dài Việt Nam của con gái, con trai tôi xuất hiện. Vâng, rất nhẹ nhàng, mỏng manh, khiêm nhường, bé nhỏ nhưng cũng không vì thế mà chìm khuất. Dẫu chỉ là một cái cớ để xuất hiện, nhưng chính tôi, trong giây phút ấy lại cám ơn con gái và cả cậu con trai vì yêu chị mà bay sang Thái Lan, chỉ để đàn guitar đệm cho chị hát, chịu mặc chiếc áo dài nam lên trên sân khấu. Một việc làm, mà theo tôi, con đã cả gan “uống mật gấu” vì lòng tự hào dân tộc, nên bất cứ một du học sinh nào cũng mong được làm một đại sứ văn hóa thầm lặng và tự nguyện ở mọi lúc, mọi nơi.

Mùa thu năm 2016, con trai tôi được học bổng, sang Mỹ du học. Ngày nhập học quá gần, mọi thứ chuẩn bị thật gấp gáp. Vậy mà con trai còn nhớ nhắc mẹ: “Mẹ may cho con vài bộ áo dài mang theo. Có dịp, con sẽ mặc, giới thiệu áo dài Việt Nam”. Chắc  là buổi trình diễn và thuyết trình của chị trong khóa học hè trải nghiệm ở Trường  Sathya Sai với lòng tự hào và bản sắc mỗi dân tộc đã tác động mạnh mẽ đến cậu. Con trai đi quá vội, tôi không kịp chụp bức ảnh con mặc áo dài. Nhưng từ bên Mỹ, cậu gọi về, hồ hởi khoe: “Hôm con mặc áo dài, có một nhà báo xin chụp ảnh đó mẹ!”. Ôi, cám ơn con trai vì đã mang theo áo dài đến nước Mỹ.

TRẦM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục