Sáng 19-2, tại Công viên Tao Đàn, ông Hino Satoki (quốc tịch Nhật Bản), đã có buổi nói chuyện và biểu diễn về nghệ thuật bonsai của Nhật trước gần 100 nghệ nhân VN. Buổi tiếp xúc thân mật với chủ nhân cây Tùng Ngũ Trâm (850 tuổi, được phong tặng danh hiệu Quốc bảo Nhật Bản) là cơ hội hiếm hoi để nghệ nhân VN được tìm hiểu về nghệ thuật bonsai Nhật. Đây cũng là cố gắng, nỗ lực của Ban Tổ chức Hội hoa xuân (HHX) 2010 nhằm phục vụ người yêu hoa ở VN.
Thân hình vạm vỡ, rắn rỏi, nước da ngăm ngăm cùng cách nói năng sôi nổi, khiến ít người nghĩ rằng ông Hino Satoki đã bước sang tuổi 70, với 50 tuổi nghề làm bonsai. Một cây nguyệt quế um tùm như cây dại được mang ra.
Để chậu cây (hình tròn) hơi nghiêng, tay trái cầm ngang thân cây, ông Hino dùng cổ tay phải đập mạnh 1 nhát vào miệng chậu cây rồi nhấc cây nguyệt quế khoảng 10 năm tuổi ra khỏi chậu một cách nhẹ nhàng, dứt khoát. Sau khi xoay ngược trước, sau để nhận diện mặt chính của cây, ông dùng kéo cắt thoăn thoắt các tán cây. Sau ít phút, cành, lá rớt xuống như trút, cây chỉ còn lơ thơ một ít lá, cành.
Ông Hino vừa nâng niu giữ lại 1 cành non có 2 mắt và giải thích: Từ 2 mắt đó sẽ phát triển thành cành, giúp tạo dáng hình tròn cho tán cây. Lúc này, 5 tán chính của cây đã hiện ra xen kẽ như một cầu thang hình xoắn ốc, khá cân đối quanh thân cây dáng.
Nhiều nghệ nhân VN bắt đầu xì xào về lối cắt quá bạo tay có vẻ không thương xót của ông Hino. Nhưng tất cả đều phải gật đầu về quyết định dứt khoát, nhanh nhạy của ông: quyết định giữ nhánh nào, cắt bỏ nhánh nào chỉ trong tích tắc!
Cắt tỉa cành, lá, định hình các tán cây xong cũng là lúc cây bắt đầu… lộ khiếm khuyết: khoảng cách từ tán thứ 1 tới tán thứ 2 khoảng hơn 1 ngón tay nhưng khoảng cách từ tán thứ 2 tới tán thứ 3 thì dài tới khoảng 2 ngón tay! Phần trống khá lớn lộ ra ở giữa cây thuộc phía bên tay trái (cây bị lép bên trái) khi khoảng cách giữa các tán không đều.
Theo ông Hino, để khắc phục khuyết điểm trên, có thể ghép thêm 1 tán hoặc dùng dây kẽm ghì 1 tán ở tầng trên “ép” xuống vị trí trống đó.
* Về cây Tùng Ngũ Trâm, theo ông Hino Satoki, do cây được phong tặng danh hiệu Quốc bảo Nhật Bản nên rất tiếc, theo quy định, không thể mang cây khỏi đất nước Nhật để tới VN triển lãm. Ông sẵn sàng nhận thực tập sinh, tới vườn bonsai của ông tại Nhật Bản để học nghề mà không mất tiền học phí. |
Tiếp đến, ông Hino dùng cào móc gần hết phần đất bên dưới và cũng mạnh tay cắt… trụi lủi phần rễ bên dưới. Một rễ cây lớn bằng ngón tay út, hình vòng cung mọc lưng chừng thân cây cũng “ăn” một nhát kéo ngọt xớt của ông.
Nhiều người lại được một phen đứng tim khi ông Hino cầm cả cây nguyệt quế giỗ mạnh một cái để đế cây “rụng” bớt đất. Sau đó, ông dùng chổi nhỏ, nhẹ nhàng quét sạch bộ rễ. Một bộ rễ lan ra nhiều hướng quanh thân cây mà trước đây ít phút bị chìm lấp trong đất, giờ đã lộ ra trên mặt đất một cách vững chãi, mạnh mẽ làm tăng thêm ấn tượng về sự già cỗi của cây.
Sau khi xử lý xong bộ rễ, giúp chúng gọn gàng, ấn tượng, ông Hino đổ đất (lẫn xơ dừa) vào chậu mới (hình chữ nhật) theo hình tháp để đất ăn vào phần lõm của bộ rễ cây bên dưới đã bị cạo sạch trước đó.
Ông đặt cây nguyệt quế vào chậu mới và cố định cây bằng 2 sợi dây kẽm luồn dưới đáy chậu và phủ đất lên trên. Một cây nguyệt quế dáng trực, trọng tâm ở gốc và ngọn thẳng đứng lên trời biểu hiện ý chí mạnh mẽ, phóng khoáng, tự nhiên, vững chắc đã hiện hình trước mắt mọi người.
Theo một số nghệ nhân ở VN, chúng ta thường đổ đất bằng phẳng (không đổ đất hình tháp), trồng tự nhiên (không cố định cây) khiến nhiều cây bị chết do bị long gốc. Tương tự, ông Hino biểu diễn nghệ thuật bonsai qua việc tạo dáng bay cho một cây mai chiếu thủy 2 thân.
Theo ông Hino, ở Nhật có khoảng 500 loài cây có thể tạo dáng bonsai. “Một tác phẩm bonsai đẹp là làm sao qua bàn tay uốn, cắt, tỉa thân, cành, lá của con người nhưng lại tạo ra được nét đẹp tự nhiên cho cây” - là thông điệp mà ông Hino gửi đến nghệ nhân chơi bonsai của VN.
Qua 90 phút được tận mắt xem bậc đàn anh biểu diễn, anh Phan Hữu Tâm (ngụ TPHCM, chủ nhân của bonsai Phu – Thê – Tử đoạt giải vàng bonsai HHX 2010) bày tỏ: Những gì ông Hino biểu diễn là những kỹ thuật cơ bản để tạo bonsai và là bước ban đầu, tổng thể để định hình được bonsai. Để lên hình lên dáng bonsai thì các nghệ nhân cần đầu tư công sức chăm sóc, ghép chi… rất kỳ công trong hàng năm trời nữa.
Chỉ thế thôi cũng là cơ hội hiếm hoi để giới nghệ nhân VN được chứng kiến cách tạo bonsai, hết sức chuyên nghiệp. Đây thực sự là dịp mà các nghệ nhân chúng tôi được giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề trong HHX năm nay. Chúng tôi vẫn… thèm có những buổi giao lưu, học hỏi như thế...
Đường Loan