(SGGP).– Ngày 21-3, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, vừa trình lên Chính phủ Báo cáo bổ sung đề xuất thu Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và Phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.
Trong đó, Bộ GTVT đã thống nhất sửa tên gọi “Phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” thành “Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” theo ý kiến của Bộ Tài chính cho sát với mục tiêu, nội dung của phí và giữ nguyên tên gọi đối với “Phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm”.
Đối tượng thu của loại “Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống và mô tô, không thu phí đối với xe công (xe của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội, xe công an, xe của cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài). Riêng với mô tô, lùi thời gian thực hiện thu Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ ít nhất là 6 tháng kể từ khi thu phí đối với ô tô.
Với phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, UBND cấp tỉnh có quyền quy định thời gian thu, khu vực thu, hình thức thu nhưng không vượt quá mức thu dự kiến là 30.000 đồng/lượt đối với ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô tô còn lại. Đặc biệt, mức thu Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ của năm sau được tính tăng 5% so với mức thu của năm trước liền kề.
Cũng tại văn bản này, Bộ GTVT khẳng định không có phí chồng lên phí vì mỗi loại phí khác nhau cả về mục tiêu thu, đối tượng thu. Về tính khả thi trong việc triển khai thu Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đối với mô tô, Bộ GTVT cho rằng, loại phí này được thu một lần cho 1 năm xe lưu hành, việc tổ chức thu hoàn toàn khả thi và không khó khăn trong thực hiện, bởi chính quyền sở tại luôn quản lý chắc số lượng xe mô tô của từng hộ gia đình sinh sống trên địa bàn.
>> Bảng phí hạn chế phương tiện cá nhân (dự kiến)
B.Quyên