Nghị quyết 02-NQ/TU (6-2011) mà Tỉnh ủy Bạc Liêu đưa ra hướng đến sự thay đổi về chất với kỳ vọng đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. “Đường băng” mới đã mở.
Khơi dậy tiềm năng
Đêm xuống, Khu du lịch Hồ Nam làm Bạc Liêu như sống động, huyền ảo hơn. Ánh đèn lồng giăng mắc hắt xuống lấp lánh 12ha mặt nước bao quanh khu ẩm thực, nơi có trên 700 món ăn độc đáo Âu - Á và Việt Nam. “Thực đơn có cả… tôm hùm Alaska. Đúng là về đất “công tử” rồi. Hồ Nam như “ốc đảo xanh” bên Singapore vậy”, anh bạn nhận xét. Nằm ngay trong thành phố, tổ hợp này rộng đến 22ha bao gồm nhiều dịch vụ. Với 35 tỷ đồng, giai đoạn 1 đã hoàn thành và tiếp tục đầu tư 65 tỷ đồng cho giai đoạn 2 với nhiều hạng mục lớn với nhiều điểm nhấn, góp phần quan trọng khiến Bạc Liêu vụt thay đổi diện mạo.
Bạc Liêu là tỉnh giáp với Cà Mau, “tận cùng phương Nam” lại cách xa các trung tâm, nhưng từ khi có Nghị quyết 02-NQ/TU đến nay đã có bước chuyển rất tích cực, đáng ngạc nhiên. “Kêu gọi đầu tư hiệu quả, tạo ra được sản phẩm mới giúp nơi này nhanh chóng trở thành điểm sáng”, ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL còn nhấn mạnh Bạc Liêu nằm trong số ít các địa phương trong vùng ra nghị quyết riêng về du lịch. 6 tháng đầu năm 2012 lượng khách nội địa và quốc tế đến với Bạc Liêu tăng 40% - 50% so cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2011, hơn 273.000 lượt du khách, trong đó có 9.400 du khách nước ngoài).
Dự án Khu du lịch Công tử Bạc Liêu liên kết cùng Saigontourist trị giá hàng trăm tỷ đồng bắt đầu triển khai ngay từ cuối năm 2011, hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch trọng điểm của cả khu vực ĐBSCL. Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Bạc Liêu cho biết hiện đang thiết kế thi công khu nhà Công tử Bạc Liêu, nhà Huyện Sổn và cụm nhà hàng; khu nhà hàng Công tử Bạc Liêu được đầu tư nâng cấp thành khu ẩm thực Nam bộ. Giai đoạn 2, sẽ xây dựng khách sạn 4 sao, với 120 đến 150 phòng. “Tất cả sẽ được phục chế nguyên bản”, ông Lâm nói vậy.
Anh bạn đi cùng thông báo có nhiều nhà đầu tư “khủng” đã chọn đất lành Bạc Liêu, trong đó có dự án Khu vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Địa Cầu làm chủ đầu tư, sẽ thực hiện trong Công viên Trần Huỳnh, phường 7 (TP Bạc Liêu)…
Tạo nét độc đáo
|
Trời lất phất mưa trong khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khói nhang bay bay trước mộ người nghệ sĩ tài hoa. Chàng là chàng có hay/Đêm thiếp nằm luống những sầu tây… Chợt nhớ, từ nhiều năm trước những ca từ da diết đó đã khiến một nghiên cứu sinh người Mỹ làm luận văn tiến sĩ về cải lương Nam bộ lặn lội về tận đây thắp nhang cho cụ, người đã tạo ra một trong những bản “nhạc lòng” (bản Dạ cổ hoài lang) bất tử nhất về nghĩa vợ tình chồng cho nền nghệ thuật nước nhà. Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Bạc Liêu, ông Nguyễn Vũ cho biết, hàng năm tại đây đều diễn ra lễ hội “Dạ cổ hoài lang” (13 – 15-8 âm lịch) cùng giao lưu đờn ca tài tử, biểu diễn nghệ thuật…
Bạc Liêu đang khai thác nhiều nguồn tài nguyên với các loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch vườn, du lịch tâm linh tín ngưỡng… Các nhà đầu tư đổ về Bạc Liêu gần đây không chỉ cho thấy tiềm năng của vùng đất này mà còn minh chứng Bạc Liêu đang trải thảm đỏ khuyến khích, ưu đãi đầu tư rất cụ thể. Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Bạc Liêu thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết tâm rất lớn về du lịch và chiến lược cụ thể cho phát triển du lịch của cấp lãnh đạo địa phương. Có thể nói, “đường băng” đã mở nhưng để phát triển vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, đặc biệt là chất xám, tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên môn. ĐBSCL đến nay, thật tiếc, vẫn chưa có những sự kiện lớn tạo được sự quan tâm đặc biệt cho du khách như “Đêm hội pháo hoa” (Đà Nẵng), Festival Huế hay Vịnh Hạ Long. Một Festival Đờn ca tài tử Bạc Liêu, tại sao không? Khi nơi đây sản sinh ra “bài ca vua” và loại hình đờn ca tài tử, đặc sản văn hóa phương Nam đang được trình lên UNESCO xem xét trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?
Vì sao mảnh đất này từ năm 1882, quan cai trị người Pháp Lamothe de Carrier đã báo với thống đốc Nam kỳ rằng: “Trong tương lai sẽ nhanh chóng trở thành thành phố lớn nhất của Nam kỳ, sau Sài Gòn”? Điều này sẽ sống lại qua việc trùng tu, bảo tồn hàng chục ngôi nhà cổ có tuổi đời gần trăm năm mang phong cách kiến trúc Pháp? Cân nhắc, khai thác có chọn lọc cụm từ đã thành thương hiệu “Công tử Bạc Liêu” để tránh trùng lắp, phai lạt sản phẩm. “Một ngày làm diêm dân” chắc chỉ có ở Bạc Liêu? Hàng loạt dự án, quy hoạch du lịch đang được Bạc Liêu quyết liệt triển khai. 1,8 tỷ đồng cho đề án bảo tồn nhãn cổ (1.189 cây nhãn cổ) gắn với phát triển du lịch cùng nhiều khu dịch vụ, nghỉ dưỡng phục vụ khách tham quan độc nhất vô nhị vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long…
Vũ Thống Nhất