Du lịch di sản TPHCM: Thiếu liên kết, chưa phát triển căn cơ

TPHCM với hệ thống tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và đa dạng, nhiều tiềm năng phát triển, trong đó, di sản văn hóa được coi là tài nguyên du lịch quan trọng, là cơ sở hình thành sản phẩm du lịch. 
Du khách tham quan Di tích lịch sử Rừng Sác tại Cần Giờ, TPHCM
Du khách tham quan Di tích lịch sử Rừng Sác tại Cần Giờ, TPHCM

Việc phát triển du lịch di sản văn hóa không chỉ góp phần phục hồi, bảo tồn và quảng bá những giá trị của di sản, mà còn mang lại những lợi ích kinh tế cho xã hội và cộng đồng người dân. Tuy được đánh giá là nhiều tiềm năng, nhưng để du lịch di sản văn hóa TPHCM thật sự thu hút và phát triển căn cơ, vẫn còn khá nhiều câu chuyện phải bàn.
 
Đánh thức tiềm năng du lịch di sản 

Qua kiểm kê, khảo sát và đánh giá của Sở Du lịch TPHCM, cho thấy trên địa bàn 24 quận, huyện của thành phố có 386 tài nguyên du lịch, trong đó đến 97,9% được xếp vào tài nguyên du lịch văn hóa. Nếu như được quản lý, khai thác đúng mực và hợp lý, đây chính là tiềm năng, là lợi thế rất lớn để TPHCM phát triển loại hình du lịch này. Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM, cho biết, đến nay thành phố đã có 172 di tích được công nhận và xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia và 114 di tích cấp thành phố. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có khoảng 40 di tích (khoảng 23%) là thực sự được du khách quan tâm, đưa vào tour của các công ty dịch vụ lữ hành. 

Theo PGS - TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Di sản văn hóa là loại tài sản vô giá về mặt tinh thần, đồng thời cũng là khối tài sản vật chất đồ sộ chứa đựng nguồn tài lực, vật lực, nhân lực mang hàm lượng trí tuệ cao. Đây là lý do buộc chúng ta phải có thái độ ứng xử đúng mực, có giải pháp phù hợp để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, mà gần nhất là phát triển du lịch bền vững. 

Tuy nhiên PGS-TS Đặng Văn Bài cũng nhận định, TPHCM vẫn chưa thực sự tận dụng được tiềm năng, thậm chí những sai lầm trong quy hoạch đang vô tình “xóa sổ” nhiều địa danh, địa điểm, công trình mang ý nghĩa lịch sử. “Hệ thống sông ngòi, kênh rạch là yếu tố thiên nhiên có chức năng tạo cảnh quan - sinh thái nhân văn và xác định ý tưởng quy hoạch của Sài Gòn xưa. Chúng ta sẽ có thái độ ứng xử thế nào với những đại lộ lớn từng nổi tiếng trong lịch sử của thành phố như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng… Dựng lên quá nhiều cao ốc dọc hai bên các đại lộ này thì bóng dáng Sài Gòn xưa sẽ không còn nữa. Ta sẽ có một đô thị hiện đại theo kiểu phương Tây, nhưng ký ức đô thị xưa phai mờ dần. 

Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các dòng sông, các đại lộ lớn với tư cách là các trục quy hoạch của đô thị nếu được tôn trọng, bảo tồn như những bộ phận cấu thành di sản đô thị, bao giờ cũng là loại tài nguyên du lịch sang trọng và có sức hấp dẫn với du khách. “Chưa kể, nhiều địa điểm, công trình nổi tiếng trong lịch sử đã không còn hiện diện trong mặt bằng tổng thể của thành phố, chỉ còn là những đáng tiếc khôn nguôi như thương xá Tax, công viên Lam Sơn, cảng Ba Son...”, PGS-TS Đặng Văn Bài dẫn chứng. Cũng theo ông, việc TPHCM tập trung phát triển các khu đô thị mới về phía Nam - vốn là vùng trũng thấp mà không phải về phía Tây Bắc (như Củ Chi, Hóc Môn) còn là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng lụt, úng ở nội thành khi triều cường và mưa lũ. 

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, cho rằng quan điểm về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển phải được cụ thể hóa bằng chính sách, hành vi ứng xử trong hoạt động du lịch nói chung, du lịch di sản văn hóa nói riêng. Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch, vì thế giữa du lịch và di sản văn hóa có mối gắn kết tương hỗ. Mối gắn kết này càng bền chặt khi di sản văn hóa được giữ gìn, tôn tạo, hài hòa, tạo sức hút đối với du khách; muốn du lịch di sản văn hóa phát triển, hấp dẫn thì phải là du lịch trách nhiệm, du lịch bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường văn hóa. 

Thiếu liên kết, thiếu đầu tư

Bà Phan Yến Ly, Trưởng ban Phát triển du lịch khối Inbound, Saigontourist, nhìn nhận, bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh của TPHCM như: du lịch sinh thái, ẩm thực, mua sắm, đường sông, thành phố không thể bỏ quên loại hình du lịch di sản, những địa điểm chứa đựng bao giá trị lịch sử văn hóa, như: bến Nhà Rồng, hội trường Thống Nhất, nhà hát Thành phố, địa đạo Củ Chi, rừng ngập mặn Cần Giờ… 

“Để có thể khai thác tốt hơn loại hình du lịch di sản, nên chăng thay đổi cách quản lý di sản, di tích. Từ lâu trên thế giới đã áp dụng mô hình nhà nước và tư nhân cùng tham gia quản lý - khai thác di sản văn hóa dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các chuyên gia. Có thể học kinh nghiệm từ Pháp, Indonesia, Campuchia… hay trong nước là cách làm du lịch di sản của Hội An, của Huế”, bà Yến Ly nêu. Hiện nay du khách đến TPHCM vẫn chủ yếu tham quan các di tích lịch sử và các bảo tàng tập trung ở khu vực gần trung tâm thành phố. 

TS Nguyễn Đức Tuấn, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, báo động việc bảo tồn di tích kiến trúc, nghệ thuật đang là vấn đề đáng quan tâm của TPHCM, điển hình như trường hợp Dinh Thượng thơ thu hút dư luận thời gian qua. Nhiều di sản kiến trúc nghệ thuật bị thay đổi chủ nhiều lần, biến dạng rồi mất luôn kiến trúc truyền thống, mà nguyên nhân xuất phát từ vấn đề quản lý. Hiện di tích kiến trúc truyền thống ở TPHCM phần nhiều do tư nhân quản lý và sử dụng, do nhiều nguyên nhân đã dần bị mai một. “Cần có những chiến lược quảng bá các di sản văn hóa đúng nghĩa là một dạng tài nguyên du lịch. Ở cấp cao hơn, Bộ VH-TT-DL cần xây dựng và hoàn thiện bản đồ di sản văn hóa làm cơ sở thiết kế các tour du lịch văn hóa hấp dẫn”, ông Tuấn nói.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, ngoài 172 di tích đã được xếp hạng, ngành văn hóa thành phố cũng đang thực hiện khảo sát, lập hồ sơ di tích thêm 100 công trình, địa điểm theo Quyết định 923 của UBND TPHCM. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều công trình di tích thuộc sở hữu tư nhân, việc phát huy giá trị, trùng tu tôn tạo di tích gặp khó nếu không được sự đồng thuận của người sở hữu. Người dân ngán ngại khi đưa công trình vào di tích vì quá nhiêu khê thủ tục xin trùng tu, sửa chữa. Những năm qua, TPHCM cũng dành nhiều sự quan tâm đến công tác trùng tu, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. 

Tại cuộc họp ngày 22-11 do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì, thành phố đã ghi vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2019 - 2020, có hơn 700 tỷ đồng đầu tư cho trùng tu, bảo tồn trong lĩnh vực di sản văn hóa. Để du lịch di sản văn hóa phát triển, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Ông Huỳnh Thanh Nhân cho rằng: “Ngành văn hóa và ngành du lịch thành phố chưa có sự phối hợp đúng mức, vẫn còn tính riêng lẻ nên kết quả chưa như mong đợi. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, doanh nghiệp và hiệp hội du lịch, ban quản lý các di tích… Từ đó, sẽ có giải pháp phối hợp cụ thể, hiệu quả hơn. Tất cả cùng bắt tay, quyết tâm nâng cấp và làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch di sản văn hóa, đó sẽ là động lực để thành phố phát triển”.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, chia sẻ, phát huy giá trị di sản văn hóa là việc cần tiếp tục làm mạnh mẽ hơn. “Phát triển du lịch di sản ở TPHCM vẫn còn hạn chế vì thiếu kinh phí, thiếu liên kết và thiếu đồng bộ. Vấn đề đặt ra là phải tăng cường liên kết để tăng thêm giá trị cho các di sản, các điểm đến. Di sản không phải là một điểm đến cụ thể mà là một tổng hòa các di sản văn hóa trong đô thị đó. Muốn biến di sản văn hóa thành tài nguyên du lịch cần có bàn tay phối hợp của nhiều nhà: nhà quản lý, nhà quy hoạch kiến trúc, nhà điều hành du lịch và cả người dân. Khi người dân thấy được lợi ích của mình, họ sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản”.

Tin cùng chuyên mục