Du lịch đường biển miền Trung: Bập bềnh... trên sóng

Dẫu được thiên nhiên ban tặng cho dải đất ven biển, hải đảo trải dài, hoang sơ, nhiều tài nguyên và đẹp lạ lùng nhưng những năm qua, số lượng khách cập cảng miền Trung bằng tàu biển luôn bấp bênh. Có thời điểm số lượng khách lên rất cao, lúc lại tụt sâu chạm đáy.
Du lịch đường biển miền Trung: Bập bềnh... trên sóng

Dẫu được thiên nhiên ban tặng cho dải đất ven biển, hải đảo trải dài, hoang sơ, nhiều tài nguyên và đẹp lạ lùng nhưng những năm qua, số lượng khách cập cảng miền Trung bằng tàu biển luôn bấp bênh. Có thời điểm số lượng khách lên rất cao, lúc lại tụt sâu chạm đáy.

Giàu tiềm năng

Đà Nẵng - thành phố trung tâm của miền Trung có lợi thế nhất trong việc thu hút du khách bằng đường biển với cảng biển quốc tế Tiên Sa, là một trong 3 cảng biển lâu đời nhất của Việt Nam, chỉ sau thương cảng Hội An đã bị bồi lấp. Là điểm đến trên tuyến hải trình quốc tế, nằm ngay gần trung tâm thành phố Đà Nẵng, kết nối với các điểm khác nên được du khách lựa chọn dừng chân trên chuyến hành trình xuyên đại dương. Chính vì vậy, thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung khai thác lợi thế này nên lượng khách du lịch đến bằng đường biển liên tục tăng. Năm 2011, với 42 chuyến tàu du lịch cập cảng đem đến 27.500 du khách, năm 2012 có 56 chuyến với gần 54.000 du khách, đỉnh điểm vào năm 2013 với 90 chuyến tàu và gần 100.000 du khách... Cách TP Đà Nẵng hơn 300km về hướng Nam, cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng đang nổi lên về thu hút khách du lịch bằng đường biển khi từ đầu năm đến nay, có hàng chục chuyến tàu cập cảng, tăng vọt so với những năm về trước. Du khách đến với Quy Nhơn đều quốc tịch Mỹ. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định: “Địa phương cũng đang là điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế trong thời gian gần đây. Vì vậy, năm nay, ngành du lịch biển Bình Định tự tin đặt mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 20% so với năm ngoái.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng xác định du lịch tàu biển hiện là loại hình du lịch thời thượng và đang được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng nên Hiệp hội Du thuyền châu Á đã lựa chọn cảng Chân Mây là điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Hiện cảng Chân Mây đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng 3.000 khách... và nhiều chuyến tàu biển cao cấp đã ghé cảng Chân Mây, trong có những tàu khách siêu sang thế giới như Celebrity Century, Celebrity Millennium, Costa Atlantica, Mariner of the Seas... Từ đầu năm 2015 đến nay, cảng Chân Mây đã đón và phục vụ trên 18.000 lượt khách, chủ yếu đến từ Hồng Công, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Canada, Australia. Lượng khách tàu biển đến Huế được dự báo sẽ tăng vượt bậc, có thể đạt đến 70.000  lượt người trong năm 2015, mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển du lịch tàu biển. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế nhìn nhận: “Du khách đi du lịch đường biển thường là khách hạng sang, chi nhiều tiền nên cần được cung cấp các dịch vụ tương xứng. Đây là cơ hội thúc đẩy và quảng bá tiềm năng cũng như tạo thêm cơ hội về sự liên kết phát triển du lịch miền Trung.

Khách quốc tế du lịch bằng tàu biển đến cảng Chân Mây.

Say... sóng!

Hiện nay, ngành du lịch các địa phương đang gặp phải vấn đề nan giải do việc phát triển các cảng biển gần nhau, vô tình tạo nên sự đối trọng, mất cân bằng và đôi khi xuất hiện việc cạnh tranh không lành mạnh. Theo ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng: “Cảng do địa phương quản lý theo cơ chế thoáng cho các hãng tàu cập cảng thuận lợi hơn so với cảng Trung ương quản lý. Tuy nhiên, do chưa có cảng riêng đón tàu biển du lịch mà chung với khai thác hàng hóa, đã gây khó khăn cho việc đón tàu cũng như làm các thủ tục cho du khách lên bờ”. Bên cạnh đó, vấn đề biển Đông hiện nay cũng khiến ngành du lịch các địa phương ven biển như đang “trôi” bồng bềnh trên sóng. Ông Cường dẫn chứng, trong năm 2014, khách tàu biển từ Trung Quốc đến Đà Nẵng do hãng tàu Henna và Star Cruise khai thác với tần suất 4 chuyến/tuần. Tuy nhiên, do tình hình biển Đông từ tháng 5-2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên từ đó đến nay, tàu biển từ Trung Quốc đến thành phố giảm hẳn và chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại nên 6 tháng đầu năm nay, mới chỉ đón 20 chuyến tàu (giảm 70% lượng khách so với năm ngoái).

Có thể nói, chưa năm nào ngành du lịch Đà Nẵng lại gặp nhiều khó khăn như năm nay khi mà sức bền của ngành du lịch Đà Nẵng bị phá vỡ do từ lâu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống Trung Quốc nhưng tiềm ẩn đầy bất ổn này. Chỉ trong vòng 1 tháng, có 15 chuyến bay kết nối từ các tỉnh, thành lớn của Trung Quốc đến Đà Nẵng bị hủy bỏ. Các tour, tuyến được các hãng lữ hành lên lịch sẵn từ nhiều tháng trước bị khách hàng trả lại, đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của nhiều doanh nghiệp du lịch.  Để “bù” vào sự thiếu hụt trên, ngành du lịch Đà Nẵng đang chủ động chuyển hướng khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và một số thị trường xa như Australia, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Ấn Độ…

Tại hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp tàu biển Việt Nam” nhằm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy ngành du lịch tàu biển phát triển, trở thành một trung tâm du lịch tàu biển của khu vực do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại TP Huế, ông Kevin Leong, Chủ tịch Hiệp hội Du thuyền châu Á khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tàu biển nhưng chưa được đầu tư xứng đáng, trong khi ở châu Á có hai trung tâm du thuyền lớn nhất là Singapore và Hồng Công, điểm đến của du lịch tàu biển quốc tế thì Việt Nam nằm giữa tuyến đường nối hai trung tâm cảng biển hiện đại này. Hai trung tâm du thuyền này lại có sự kết nối với các nước trong khu vực về vận tải hành khách bằng đường biển như với Malaysia, Indonesia, Ấn Độ... và cả Việt Nam. Nằm trong tuyến hải trình du lịch hấp dẫn này nên Việt Nam có cơ hội đón khách du lịch tàu biển quốc tế quanh năm, là điều kiện rất tốt để phát triển du lịch, chỉ tiếc Việt Nam chưa khai thác tốt tiềm năng. Điều này thể hiện ở hạ tầng cảng ở Việt Nam vẫn còn yếu, chưa có cầu cảng riêng dành cho tàu du lịch, chưa có đội tàu vận tải hành khách quốc tế và thiếu dịch vụ, do đó cần đầu tư đúng trọng điểm. Việt Nam cũng phải chú trọng đến các dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ mua sắm tại cảng, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí...

HÀ MINH - VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục