Du lịch trước hội nhập - Thách thức ở tính cạnh tranh

Tại buổi họp báo triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN do Tổng cục Du lịch tổ chức mới đây, nhiều ý kiến lo lắng doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ không cạnh tranh nổi với các DN nước ngoài khi hội nhập AEC từ 1-1-2016 tới. Chúng tôi đã trao đổi với ông Hà Văn Siêu (ảnh), Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về vấn đề này.
Du lịch trước hội nhập - Thách thức ở tính cạnh tranh

Tại buổi họp báo triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN do Tổng cục Du lịch tổ chức mới đây, nhiều ý kiến lo lắng doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ không cạnh tranh nổi với các DN nước ngoài khi hội nhập AEC từ 1-1-2016 tới. Chúng tôi đã trao đổi với ông Hà Văn Siêu (ảnh), Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về vấn đề này.

Thị phần bị chia sẻ

* Thực thi các cam kết hội nhập cộng đồng Asean từ đầu năm 2016, thách thức đáng ngại nhất của ngành du lịch Việt Nam là gì, thưa ông?

* Đó là vấn đề cạnh tranh chia sẻ thị phần, các điểm đến, các sản phẩm du lịch của ta chưa giành được khách hạng 1 mà chỉ lấy được khách hạng 2. Khi những điểm đến chưa tiếp cận được trình độ chuyên nghiệp, quản trị toàn cầu, trong lúc ASEAN trở thành một điểm đến chung, thì việc quảng bá là chung nhưng mức độ hưởng lợi của Việt Nam sẽ không bằng các nước bạn. Do vậy, thách thức là ở tính cạnh tranh, từ việc tiếp cận, kết nối thị trường, khả năng quảng bá để thu hút tại nguồn... Tôi không gọi là “tranh khách” của nhau nhưng đại loại khi sân chơi liền mạch chung thì mình phải cố gắng hơn nữa mới phát triển hơn thời kỳ chưa hòa nhập.

* Phải chăng sự chuẩn bị của DN nước ngoài tốt hơn? Chẳng hạn như các DN Hàn Quốc đã đầu tư quy trình khép kín tại Việt Nam từ việc tổ chức tour, nhà hàng, khách sạn… dù chưa hội nhập?

* Đó là xu hướng chung. Từ ngày xưa đã diễn ra việc một số thị trường lớn muốn chinh phục thị trường nhỏ thì dùng công cụ, nguồn lực về kinh tế để đầu tư nhằm uy hiếp các đối thủ cạnh tranh khác. Ngày nay, khi Việt Nam ký các cam kết hội nhập, chúng ta phải chuẩn bị làm sao không tạo ra rào cản nhưng phải tạo ra những giá trị mà chỉ Việt Nam có. Đó là tính khác biệt, văn hóa bản địa. Ví dụ như một khách sạn của tập đoàn toàn cầu đầu tư tại Việt Nam thì phải lấy yếu tố văn hóa Việt Nam để khác hơn so với các nước.

* Nhà nước có giải pháp gì để hỗ trợ DN trong nước không, thưa ông? Vì sao việc xin ưu đãi miễn giảm thuế 50% cho các DN khó khăn dù đã kiến nghị từ cuối năm ngoái nhưng đến gần hết năm rồi vẫn chưa thấy Thủ tướng phê duyệt?

* Chuyện thuế là của Quốc hội quyết.

* Trong khi Tổng cục Du lịch Nhật thậm chí chấp nhận cho DN lỗ miễn sao kéo được khách đến với họ, nên vừa rồi khách Việt Nam sang Nhật rất nhiều? Rồi Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Thái Lan… rất quan tâm đầu tư quảng bá. Vì sao chúng ta chưa làm tốt chính sách ưu đãi cho DN du lịch?

* Mình không thể so sánh với người ta. Những cố gắng của mình cũng đạt được mức độ nhất định. Những chính sách của chúng ta đôi khi chưa tới cùng, chỉ xới lên chứ chưa triển khai đến cùng. Vì vậy, hiệu quả của chính sách cũng chưa tới cùng. Tuy nhiên, về phần mình, tôi rất lạc quan, tin con người Việt Nam có sức sáng tạo, chăm chỉ nên khi gia nhập sân chơi quốc tế không lo ngại gì, chỉ lo ngại là khung thể chế của mình khi chuyển dịch, thay đổi thì mức độ tương thích với sân chơi chung còn chậm so với các nước. Có người nói rằng trước đây Việt Nam một mình một kiểu, khi gia nhập sân chơi chung sẽ khó khăn, thiệt thòi và chậm chân hơn. Câu chuyện đó mình đã nhìn ra rồi, nhưng những cố gắng nỗ lực cũng không phải là ít, trong thời gian tới, cần tập trung vào những gì yếu kém nhất để sửa chữa.

Doanh nghiệp tự bơi

* Theo ông, chuẩn bị tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, DN ngành du lịch cần chuẩn bị gì?

* Phải có những sản phẩm du lịch rất đặc sắc của Việt Nam, kiên quyết giữ những phong cách, bản sắc, chất văn hóa Việt Nam trong sản phẩm du lịch thì mới giữ được sản phẩm bền vững lâu dài, cạnh tranh được với tất cả các điểm đến khác trên thế giới bằng bản sắc văn hóa Việt Nam.

* Ở các nước, vai trò của Tổng cục Du lịch rất lớn, rất sâu sát… Như ở Thái Lan, tổ chức chợ đêm ở một huyện nhỏ tại khu Khao Yai thì Tổng cục Du lịch Thái Lan tổ chức rất bài bản, có điện, nước, nhà vệ sinh công cộng và cả ban nhạc ngoài trời phục vụ du khách. Trong khi đó, ở một số nơi của ta, du khách đến vẫn ngại nhất là thiếu toilet, không đảm bảo vệ sinh. Cái toilet của mình còn thua thì làm sao cạnh tranh nổi…?

* Cách đặt vấn đề đó tôi cũng không đồng tình vì mình thiếu thốn, mình không thể so sánh như thế được. Đang thiếu thì từng bước hoàn chỉnh… Quan điểm của tôi là không thể làm mọi thứ trong một hai ngày, đừng có tư duy một cách nóng vội thì khó lắm. Các bộ ngành sẽ cố gắng hết sức mình, luôn cầu thị hướng đến tích cực thì tin rằng bài giải cho những hạn chế, yếu kém của mình từng bước được giải quyết. Nếu bây giờ muốn làm gộp ngay thì cũng không biết làm gì trước, làm gì sau, cuối cùng là mình mãi vẫn chưa làm được là thế.

* Thưa ông, về phía cơ quan quản lý nhà nước, ngành du lịch đã chuẩn bị những gì, hỗ trợ cho DN những gì, như đào tạo lao động, các chính sách… để giúp DN hội nhập nhanh hơn?

* Cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các bộ khác, ban hành các quy định về quản lý nhà nước, các tiêu chuẩn, các hướng dẫn, các nghị định, thông tư quy định các vấn đề, các DN phải tìm hiểu. Còn hỗ trợ cái gì, bây giờ không còn chế độ bao cấp để làm thay DN. Chất lượng sản phẩm đầu ra của cơ quan quản lý nhà nước là phải ra được những văn bản, thông tư, quy định thật tốt thì DN sẽ làm tốt.

* Ý của chúng tôi không phải là hỗ trợ bằng tiền, mà phải hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách?

* Cơ chế, chính sách cũng không được, vì luật chơi của WTO có cái không thể hỗ trợ được.

* Xin cảm ơn ông!

HÀN NI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục