Du lịch Việt Nam - Nguy cơ rớt hạng

Campuchia “đi sau về trước”
Du lịch Việt Nam - Nguy cơ rớt hạng

Ngành du lịch Việt Nam được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trái với những lời tán dương về việc lọt vào hàng top thế giới trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn phát triển ì ạch. Đã không đủ sức rượt đuổi sự phát triển du lịch của Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, du lịch Việt Nam chẳng những dậm chân ở vị trí thứ 5 ASEAN mà còn có nguy cơ để Campuchia vượt qua.

Campuchia “đi sau về trước”

Một tiết mục biểu diễn tại lễ công bố Năm du lịch quốc gia Mekong - Cần Thơ. Ảnh: C. THĂNG
Một tiết mục biểu diễn tại lễ công bố Năm du lịch quốc gia Mekong - Cần Thơ. Ảnh: C. THĂNG

Trong khi ngành du lịch thế giới bị trì trệ do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vẫn có sức hút với khách quốc tế. Với mức tăng trưởng trên 30% trong những tháng đầu năm 2010 của ngành du lịch Việt Nam đưa ra, du lịch Việt Nam đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp đứng thứ 4 thế giới về tốc độ tăng trưởng, sau Sri Lanka, Arab Saudi, Israel.

Ngay vào mùa thấp điểm đón khách quốc tế, du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 35%. Tuy nhiên, đó chưa phải là giá trị thật của ngành du lịch Việt Nam. Những người tâm huyết với ngành du lịch Việt Nam tỏ ra nôn nóng và bức xúc trước bước đi đột phá, hiệu quả của ngành du lịch Campuchia - nước láng giềng đi sau Việt Nam trong phát triển du lịch.

Năm 2009, du lịch Campuchia đón hơn 2,3 triệu khách quốc tế và đặt mục tiêu đón 3 triệu khách trong năm nay. Việc cả thế giới đang đổ về di sản Angkor (tỉnh Siêm Riệp - di sản đang được giao cho tư nhân khai thác) đã khiến các công ty lữ hành Việt Nam thường xuyên đưa khách du lịch Việt Nam sang Campuchia lo ngại. Với chiến lược cụ thể và cách làm hiệu quả, ngành du lịch Campuchia đang bứt phá mạnh và nhiều khả năng vượt qua Việt Nam, chiếm giữ vị trí thứ 5 về du lịch của VN trong khu vực.

Một lãnh đạo của ngành du lịch TPHCM nhìn nhận, trong 4 năm qua, khi ngành du lịch 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia liên kết, hợp tác phát triển “3 quốc gia - 1 điểm đến”, những kinh nghiệm, kế hoạch đưa ra được phía bạn đưa vào khai thác ngay. Từ tháng 1-2008, Campuchia bỏ thị thực nhập cảnh đối với công dân Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines và Lào. Ước tính, động thái này làm thất thu ngân sách Campuchia hơn 14 triệu USD, nhưng bù lại, ngoại tệ  Campuchia thu về không nhỏ khi ngành du lịch nước này đón khoảng 500.000 khách ASEAN/năm và đang đặt ra mục tiêu đón 1 triệu khách/năm giai đoạn 2010-2011. Đó là hiệu quả của chính sách “thả con tép, bắt con tôm”.

Thay đổi cách làm du lịch

Du lịch Việt Nam vừa đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển. Chúng ta không thể phủ nhận sự chuyển biến tích cực cũng như giá trị mà ngành du lịch mang lại đối với kinh tế đất nước. Tuy nhiên, dường như vẫn có một rào cản vô hình làm chậm bước tiến của ngành như mong đợi của rất nhiều người.

Từ nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam thay đổi để mong đuổi kịp sự phát triển, đón khách quốc tế ở mức 2 con số như Thái Lan, Singapore, Malaysia… nhưng cố mãi vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được - mất”. Triết lý “Trong kinh doanh, thu hút được khách hàng mới là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải giữ được họ” của cha đẻ marketing hiện đại Philip Kotler dường như chưa thành công với du lịch Việt Nam! Tỷ lệ du khách quốc tế trở lại Việt Nam lần 2, 3 rất thấp. Mục tiêu đón 6 triệu khách quốc tế trong năm 2010 đặt ra trước đây bây giờ chỉ có thể đạt 4,2 triệu du khách!

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, chia sẻ, “ăn xổi ở thì” vẫn còn là một vấn nạn và sẽ giết chết ngành du lịch Việt Nam nếu chúng ta vẫn chưa có những bước phát triển căn cơ hơn. Hiện nay, rất nhiều dự án du lịch được đầu tư hoành tráng nhưng chỉ mới hoàn thành được 40%-50% dự án đã vội đưa vào khai thác. Nhà đầu tư có thể lý giải rằng, cách làm này để thu vốn, tái đầu tư nhưng điều này vô tình tạo nên hình ảnh nhếch nhác, gây thất vọng cho du khách. Việc du khách một đi không trở lại là điều dễ hiểu. Nhà nước nên có ràng buộc với các nhà đầu tư cam kết về điều này để góp phần cải thiện hình ảnh du lịch.

Vấn nạn “chặt chém”, bội tín của các dịch vụ ăn uống, khách sạn trong những dịp lễ, tết đã được đề cập khá nhiều, thế nhưng ngành du lịch vẫn chưa tìm ra liều thuốc hiệu nghiệm cho căn bệnh này. Hiệp hội Du lịch nên tham gia vào việc lập lại trật tự này, ví dụ như kêu gọi các hội viên “tẩy chay”, không đưa khách đến những khách sạn, dịch vụ làm ăn thất tín...

Trong chuyến làm việc tại TPHCM vừa qua, ông So Mara (Bộ Du lịch Campuchia), cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 100 chuyến xe chở khách du lịch qua lại biên giới Việt Nam- Campuchia. Từ vị trí thứ 2 trong năm 2008, du khách Việt Nam dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Campuchia trong năm 2009, với mức tăng trưởng gần 50%. Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển du khách quốc tế đến Campuchia, khi dịch vụ hàng không của nước bạn còn nhiều hạn chế.


MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục