(SGGP).- Ngày 6-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức cuộc họp lấy ý kiến cho dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) lần thứ 6. Nhiều đại biểu cho rằng, tới thời điểm này Luật Du lịch vẫn chưa ổn, càng sửa càng rối dù đã trải qua 5 lần góp ý, chỉnh sửa, bổ sung…
Đa phần đại biểu đều thừa nhận, kể từ khi Luật Du lịch được Quốc hội phê chuẩn, có hiệu lực từ đầu năm 2006, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch năm 1999, đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật Du lịch cũng đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc ảnh hưởng tới hoạt động, sự phát triển của ngành. Chẳng hạn, một số nội dung chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành; nội dung quy định trong luật chưa rõ ràng, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau; quy định về tuyến du lịch đã không còn phù hợp; có sự bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh giữa lữ hành nội địa với lữ hành quốc tế… Theo đó, việc sửa đổi Luật Du lịch là điều cần thiết, cấp bách, nên làm ngay.
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nhận xét luật sửa đổi quá chung chung, không chỉ ra được căn cứ vào tiêu chí nào để nói rằng đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi khi nói tới ngành mũi nhọn mọi người sẽ hiểu rằng đó là ngành được đầu tư sâu, đầu tư lớn, tạo sự cạnh tranh quốc gia… Luật viết theo kiểu yếu từ từ, càng sửa càng mờ nhạt. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, chương Lữ hành, vận tải khách du lịch và hướng dẫn du lịch trong Luật Du lịch (sửa đổi) cần được viết lại hoàn toàn...
THI HỒNG