Dự thảo Luật Thủ đô - Nhiều ý kiến về việc nhập cư

Chiều 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô. Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM), dự thảo Luật Thủ đô trình QH lần này chưa chỉ rõ những trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trong việc khắc phục những bất cập nhiều mặt, từ cơ sở hạ tầng, môi trường cho đến trật tự đô thị.
  • Chấn chỉnh việc liên kết xuất bản tràn lan

(SGGP).- Chiều 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô. Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM), dự thảo Luật Thủ đô trình QH lần này chưa chỉ rõ những trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trong việc khắc phục những bất cập nhiều mặt, từ cơ sở hạ tầng, môi trường cho đến trật tự đô thị.

ĐB Đương thẳng thắn: “Cần có những chế định về cán bộ công chức thủ đô, từ đó có giải pháp căn cơ thay vì những đề xuất tình thế lạnh lùng như nêu trong dự thảo”.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) phát biểu: “Nội dung luật thế này thông qua thì cũng được, nhưng nó như một sự tập hợp các luật khác, chưa toát lên được tính đặc thù của thủ đô với vai trò, vị trí là trung tâm hành chính – chính trị của cả nước”.

Nhìn nhận thực tế là dân số Hà Nội đã quá tải, song ông Ánh cho rằng, siết chặt điều kiện nhập cư cũng chỉ giảm được dân số trên giấy tờ, vì “thực chất người ta vẫn ở mà không cần nhập khẩu”.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, ông Trần Du Lịch nhận định: “Tôi vẫn chưa thấy ở đây những chế định đủ mạnh mẽ. Hầu hết nội dung trong luật này là về đô thị, mà những bức xúc trong quản lý đô thị thì không riêng gì Hà Nội”.

Một số ĐBQH vẫn cho rằng, do vướng một số quy định trong Hiến pháp, những bức xúc hiện nay của Hà Nội có thể được giải quyết ngay bằng một nghị quyết của QH, còn Luật Thủ đô nên đợi sau khi sửa đổi Hiến pháp 1992. “Chưa nên vội” cũng là ý kiến của ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), khi ông nhận định: “Thông qua một luật mà không có kèm nguồn lực thực hiện thì luật mất uy”. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (TPHCM) có quan điểm khác: “Những bức xúc ở thủ đô hiện nay chỉ có thể giải quyết được khi có Luật Thủ đô với những cơ chế cao hơn, quyết liệt hơn những văn bản pháp quy hiện hành. Vì thế mới phải ban hành luật này, chứ nếu cứ theo đúng những gì đã có thì làm sao có sự thay đổi”?

Tại tổ ĐBQH Hà Nội, đa số ý kiến tán thành việc ban hành luật với những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện nhập cư. Nhìn nhận vấn đề từ lĩnh vực giáo dục, ĐB Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội) cho biết, năm 2008 Hà Nội có gần 1,3 triệu học sinh, đến năm 2012 có tới 2,6 triệu học sinh, tạo áp lực rất lớn về trường học, giáo viên. Cùng với ngành y tế, ngành giáo dục đang cảm nhận rõ nhất áp lực của dân số đối với Hà Nội.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cũng tán thành việc siết điều kiện nhập cư. Ông Bá Thanh ví von: “Lớp học còn có sĩ số, đừng nói là thủ đô. Để dân số tự do phát triển, ít nữa ĐBQH ra họp cũng không có đường đi”. Tuy nhiên, ĐB này lưu ý, quy định này có “vênh” so với Luật Cư trú, sau này cần chỉnh lý để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. Bên cạnh đó, cần nâng cao tính trách nhiệm của bộ máy chính quyền. “Bản thân người điều hành, các cấp chính quyền không vào cuộc, không thực sự tâm huyết thì cũng không xoay chuyển được tình hình”, ĐB Thanh bình luận.

Về một nội dung mới trong dự luật là biểu tượng thủ đô cũng còn những ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đồng tình với biểu tượng Khuê Văn Các, nhưng cũng có ý kiến cho rằng Tháp Rùa, Hồ Gươm hoặc chùa Một Cột là những hình ảnh quen thuộc hơn, đã in sâu vào tâm trí mọi người dân trên toàn quốc cũng như bạn bè quốc tế…

* Cũng trong chiều 27-10, QH thảo luận tại tổ về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.

Sáng 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 3. “Nóng” nhất khi thảo luận về dự thảo luật này vẫn là vấn đề liên kết xuất bản - vốn được các đại biểu (ĐB) QH cũng như xã hội coi là khá nhức nhối hiện nay.

Tại kỳ họp trước, nhiều ý kiến đã đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về điều kiện hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức nhân sự cũng như quy trình tổ chức và biên tập bản thảo của cơ sở liên kết xuất bản.

Theo đa số ý kiến thảo luận, hiện nay tình trạng liên kết xuất bản diễn ra tràn lan, nhiều trường hợp cơ quan quản lý nhà nước và NXB tham gia liên kết không nắm được nội dung ấn phẩm. Nhiều NXB sống nhờ vào việc bán giấy phép liên kết; có NXB 90% sách xuất bản là sách liên kết. Luật ra đời phải khắc phục được những hạn chế trong khâu liên kết xuất bản hiện nay.

Ngoài vấn đề liên kết xuất bản, các ĐBQH cũng cho rằng, những hành vi cấm trong dự thảo luật cần cụ thể hơn. ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, hiện tình trạng xuất bản ấn phẩm trái thuần phong mỹ tục rất nhiều, vì vậy luật cần đưa ra những quy định cấm cụ thể để ngăn chặn tình trạng này.

Một vấn đề cũng được các ĐB bàn thảo nhiều, đó là xuất bản điện tử, đã xuất hiện và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở nước ta. Đây là một hình thái mới của hoạt động xuất bản, còn có nhiều thay đổi, khó dự báo trước. Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH, vì kinh nghiệm của ta về vấn đề này còn hạn chế nên Luật Xuất bản (sửa đổi) mới quy định những nội dung có tính nguyên tắc, quy định về phương thức xuất bản điện tử và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rất nhanh.

Anh Thư - Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục