Dự thảo Luật việc làm: Chưa rõ lợi ích của người lao động

Dự thảo Luật Việc làm, dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây xem xét, song vẫn ôm đồm, chồng chéo với các luật liên quan hiện hành; còn các điểm mới của dự thảo được thiết kế sơ sài, chưa rõ định hướng, chỉ lướt qua quyền và lợi ích của người lao động ở khu vực phi chính thức.
Dự thảo Luật việc làm: Chưa rõ lợi ích của người lao động

Dự thảo Luật Việc làm, dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây xem xét, song vẫn ôm đồm, chồng chéo với các luật liên quan hiện hành; còn các điểm mới của dự thảo được thiết kế sơ sài, chưa rõ định hướng, chỉ lướt qua quyền và lợi ích của người lao động ở khu vực phi chính thức.

        Khó khả thi, dễ lãng phí

Theo dự thảo, người sử dụng lao động muốn được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động phải thỏa mãn các điều kiện: đang gặp khó khăn, đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, phải có phương án đào tạo… Ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng, nếu quy định phải đáp ứng các điều kiện như vậy thì rất khó cho DN, đặc biệt là đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Các quy định này cần cân nhắc lại để bảo đảm khả thi, tạo điều kiện cho cả DN và người lao động.

Việc quy định các DN, bao gồm cả DN vừa và nhỏ phải tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động của DN mình được đánh giá là không phù hợp thực tế. Bởi để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề thì phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo viên, chương trình đào tạo… Có nhất thiết phải quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm như vậy? Nên chăng quy định theo hướng DN liên kết với cơ sở đào tạo hay người lao động có thể tự liên hệ cơ sở đào tạo để trau dồi, đáp ứng với yêu cầu của người sử dụng lao động. Chính sách hỗ trợ học nghề không đảm bảo cụ thể và thi hành ngay được vì chưa rõ mức hỗ trợ chi phí học nghề là bao nhiêu? Học nghề nào cũng được hỗ trợ hay chỉ một số nghề?

Quyền lợi người lao động cần được quy định cụ thể hơn. Ảnh: Cao Minh

Quyền lợi người lao động cần được quy định cụ thể hơn. Ảnh: Cao Minh

Vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. “Các quy định về đánh giá chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia không phản ánh đúng các quy luật của thị trường lao động” - ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB-XH) nhận xét.

Theo ông Mai Đức Thiện, các DN sẽ lựa chọn và quyết định trả lương cho người lao động thực hiện công việc của mình căn cứ vào trình độ, kỹ năng thực hiện công việc của người lao động mà DN tự đánh giá. Việc đánh giá kỹ năng thực hiện công việc của người lao động đang làm việc cho mình do DN tự làm, tự tổ chức, không cần quan tâm tới một ai khác đánh giá hộ. Điều quan trọng, người lao động cũng không cần phải quan tâm đến việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề vì họ không thu hoạch được lợi ích về tiền lương, thu nhập sau khi đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (vì tiền lương, thu nhập do DN trả). Do chưa đồng thuận với lợi ích của đông đảo DN và người lao động, chính sách này nếu được ban hành sẽ không khả thi trên thực tế và làm lãng phí nguồn lực của nhà nước (phải đầu tư nguồn kinh phí, nhân lực cho việc tổ chức đánh giá và ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề).

        Chưa rõ định hướng

Điểm khác biệt của dự thảo Luật Việc làm với Bộ luật Lao động là đối tượng điều chỉnh. Trong khi Bộ luật Lao động có đối tượng điều chỉnh là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (chiếm khoảng 35% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế) thì mục đích của dự thảo Luật Việc làm nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội về việc làm của nhóm đối tượng không có quan hệ lao động (chiếm tới 65% còn lại).

Tuy nhiên, không giống như mục đích được nêu trong tờ trình, nhiều chính sách thiết kế trong dự thảo Luật Việc làm lại sa đà vào “quản” nhóm lao động đã có quan hệ lao động chứ chưa có nhiều quy định cụ thể cho lực lượng lao động phi chính thức; nhiều điểm thiết kế sơ sài, bỏ lửng, chưa rõ định hướng. Vấn đề bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động không có quan hệ lao động vẫn còn bỏ ngỏ. Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng chưa được nghiên cứu, thể hiện trong dự thảo.

Việc đánh giá, cấp chứng chỉ nghề quốc gia giống như quy định trong Luật Dạy nghề và “bơ” luôn việc cấp chứng chỉ nghề cho người lao động tự học hoặc một số nghề mang tính đặc biệt như nghề gia truyền, nghề thủ công… Chính sách việc làm công là chính sách mới, kỳ vọng sẽ giúp một bộ phận người lao động được ưu tiên có việc làm khi dự án triển khai ở địa phương. Tuy nhiên, chính cách quy định mơ hồ khiến khái niệm việc làm công được hiểu là… việc làm tạm thời được trả công. Các địa phương cũng không rõ chính sách việc làm công được lấy từ nguồn kinh phí nào. Nội dung của chính sách việc làm công cũng gần giống như các chương trình đầu tư khác của nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo…

"Một dự thảo luật phải đáp ứng được các yêu cầu sau để đảm bảo tính khả thi: Thứ nhất, phải phản ánh đúng hiện thực khách quan, không thấp hơn và cũng không cao hơn trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Thứ hai, phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Thứ ba, phải cụ thể, rõ ràng, chi tiết và có khả năng thi hành ngay mà không cần phải chờ quá nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành"

Ông MAI ĐỨC THIỆN,
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB-XH)

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục