Dự thảo Luật Xuất bản mới còn nhiều bất cập

Lo giấy phép con trở lại

Để đáp ứng tình hình mới, vừa qua Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Xuất bản mới dự kiến sẽ có tên gọi “Luật Xuất bản, In, Phát hành”. Bản dự thảo này vừa được đưa ra thảo luận, trao đổi và đã nhận được khá nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, thiết thực từ phía các đơn vị quản lý, xuất bản, in, phát hành tại TPHCM!

Lo giấy phép con trở lại

Nhận xét về dự thảo luật mới, đại diện Sở TT-TT TPHCM cho rằng: “Dự thảo luật mới có thể đưa việc quản lý xuất bản, in, phát hành quay lại thời kỳ trước năm 2004, đặc biệt là với vấn đề giấy phép con”. Điển hình là trước đây, chỉ có các cơ sở in xuất bản phẩm mới phải xin thêm giấy phép in xuất bản phẩm, nay theo Điều 31 của dự thảo, tất cả mọi cơ sở in ngoài giấy phép kinh doanh còn phải xin cơ quan quản lý xuất bản thêm giấy phép hoạt động in dù chỉ có chức năng in bao bì, nhãn mác hàng hóa, in ảnh, in tờ rơi… Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết hiện nay chỉ riêng TPHCM đã có đến hàng ngàn cơ sở in, nếu cứ phải đủ điều kiện như dự thảo quy định thì việc nảy sinh tiêu cực là điều dễ hiểu.

Ở lĩnh vực phát hành, theo đại diện Sở TT-TT, nếu trước đây chỉ có các đơn vị phát hành có chức năng xuất nhập khẩu mới nằm trong diện quản lý của Luật Xuất bản thì với dự thảo luật mới, tất cả mọi hoạt động phát hành từ các siêu thị sách đến tiệm sách nhỏ lẻ, thậm chỉ cả các quầy sách báo cũng phải xin phép. Trong Luật Xuất bản năm 2004, một trong những điểm được đánh giá mang tính đột phá nhất là việc bỏ thủ tục xin đăng ký xuất bản, theo đánh giá của nhiều người là một dạng giấy phép con nặng tính xin, cho trong xuất bản. Theo đó, NXB chỉ cần đăng ký danh mục cho bộ, còn kế hoạch xuất bản sẽ do cơ quan chủ quản phê duyệt. Việc bỏ xin xác nhận đăng ký từng xuất bản phẩm đã đem lại sự chủ động trong kinh doanh và góp phần không nhỏ mang lại sự phát triển cho xuất bản hiện nay. Thế nhưng, với dự thảo luật mới, “giấy phép con” đăng ký xuất bản sẽ lại quay lại trong Điều 20, theo đó với từng xuất bản phẩm, NXB phải làm bản đăng ký gửi bộ và chỉ được xuất bản khi Bộ xác nhận đăng ký bằng văn bản và cấp số đăng ký cho từng xuất bản phẩm!

Luật phải thúc đẩy phát triển

Nhận xét về dự thảo Luật Xuất bản mới, đại diện NXB Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng dự thảo là một bước đi lùi, quá tập trung quyền vào cơ quan quản lý mà xem nhẹ yếu tố hỗ trợ phát triển. Nếu luật hiện hành phân cấp quản lý cụ thể, cái nào thuộc bộ nắm, cái nào địa phương phụ trách rõ ràng thì nay theo dự luật mới tất cả đều quy hết về bộ quản lý. Không những thế, nhiều điều trong dự thảo mang nặng tính chung chung, xuất hiện nhiều khái niệm chung chung kiểu “phù hợp với quy hoạch”, “áp dụng theo quy định của nhà nước” mà không có chi tiết cụ thể sẽ dễ làm nảy sinh tiêu cực, cơ chế xin cho.

Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa), cho rằng có nhiều vấn đề thiết thực lại không được dự thảo luật chú ý đến. Điển hình như vấn đề sách điện tử, thể loại xuất bản phẩm được chính Bộ TT-TT đánh giá là tương lai của ngành xuất bản, in, phát hành lại được đề cập rất mơ hồ, thiếu hẳn những quy định cụ thể nhằm phát triển đồng thời ngăn chặn các biến tướng xấu của thể loại xuất bản phẩm mới này.

Đại diện Hội Luật sư TP nhắc đến vấn đề chiết khấu trong phát hành đang bị xem là thủ phạm đẩy giá sách lên cao nhưng lại không được đề cập đến trong luật… Ông Lê Thái Hỷ nêu ra nhiều vấn đề nóng mà dự thảo lại “bỏ quên” như việc khắc phục tình trạng nhiều NXB để tư nhân lũng đoạn trong việc liên kết xuất bản dẫn đến xuất hiện nhiều ấn phẩm xấu, ảnh hưởng tiêu cực. Vai trò của cơ quan chủ quản trong việc để xảy ra sai sót trong công tác xuất bản, việc thành lập hội đồng thẩm định, giám định khi có tranh luận về ấn phẩm… Ông Hỷ còn cho rằng việc dự thảo luật đưa về chính các cơ quan quản lý đã dẫn đến tình trạng luật có xu hướng tạo thuận lợi cho công tác quản lý hơn là thúc đẩy phát triển. TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, khẳng định sẽ đề xuất Bộ TT-TT nên giữ vai trò ra quy định, giám sát và kiểm tra việc thi hành các quy định đó. Còn công tác cấp giấy phép, thực hiện các điều khoản của quy định nên để địa phương thực hiện. Cứ như hiện nay, việc gì bộ cũng đảm đương sẽ khó lòng đủ nhân lực, vật lực để chăm lo xây dựng chiến lược phát triển chung.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục