(SGGP).- Sáng 11-4, Hội Tin học TPHCM phối hợp với Ban quản lý Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức “Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định dịch vụ CNTT” lần 2.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự tọa đàm cho rằng khoản 3 điều 14 (các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ CNTT nằm trong hạng mục được ưu đãi phải đăng ký với Bộ TT-TT thì mới được hưởng các mức ưu đãi theo quy định) tạo thêm áp lực về thủ tục cho doanh nghiệp. Bởi ngay từ đầu, trong giấy phép kinh doanh đăng ký với Sở Kế hoạch đầu tư đã nêu rõ các dịch vụ kinh doanh. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM nhấn mạnh: “Nếu tiếp tục đăng ký, vô hình trung, một doanh nghiệp có đến 2 giấy phép kinh doanh, chưa kể thủ tục đăng ký thường rườm rà và tốn khá nhiều thời gian”. Với những loại hình dịch vụ kinh doanh trên nền CNTT như nội dung số, hay đào tạo trực tuyến có liên quan đến nhiều bộ, thì việc đăng ký là không hề dễ dàng.
Đối với điểm a, b thuộc khoản 6 điều 6 (Chương II: Danh mục dịch vụ CNTT), ông Lê Thế Anh Tuấn, đại diện Công ty Vinadata nhìn nhận: “Không nên chia ra 2 loại dịch vụ là điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu riêng biệt, tránh nhập nhằng, bởi các trung tâm dữ liệu bắt đầu triển khai trên nền điện toán đám mây”. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư vấn vẫn chưa nắm hết được các quy định chứng chỉ nào đủ thẩm quyền hành nghề (khoản 2 điều 14), trong khi nhu cầu tư vấn về các giải pháp CNTT vô cùng lớn. Vì thế, các doanh nghiệp yêu cầu cần xem xét giảm thủ tục hành chính trong nghị định. Nếu thấy cần thiết phải có các thủ tục đăng ký thì Bộ TT-TT cần phối hợp với các bộ ngành liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng hoàn thành các thủ tục này.
Một điểm mới trong nghị định nằm ở điều 20: Quản lý kinh doanh dịch vụ CNTT xuyên biên giới. Quy định các công ty nước ngoài muốn kinh doanh tại Việt Nam phải đăng ký thành lập công ty tại Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT-TT lý giải: “Nghị định này vẫn còn lấy ý kiến để chỉnh sửa, tuy nhiên, nếu nhìn nhận trên bản dự thảo của nghị định đang có, thì Google, Facebook hay bất kỳ công ty kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới nào, sau 270 ngày kể từ ngày nghị định có hiệu lực, nếu không đăng ký với Bộ TT-TT sẽ không được phép kinh doanh. Với dịch vụ mạng xã hội, đại lý trong nước cung cấp dịch vụ phải đăng ký và đóng thuế theo quy định. Điều 20 này nếu thực thi hiệu quả sẽ chấm dứt tình trạng kinh doanh dịch vụ CNTT nhưng không đóng thuế tại Việt Nam hiện nay”.
T.HÂN