Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT: Kiến nghị soạn thảo lại

Mới qua một buổi “Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT” do Hội tin học TPHCM tổ chức ngày 4-4, đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình.

Mới qua một buổi “Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT” do Hội tin học TPHCM tổ chức ngày 4-4, đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho rằng, nếu nghị định này được áp dụng mà không sửa đổi thì riêng việc triển khai thực hiện đã cực kỳ khó khăn chứ chưa nói đến các vấn đề khác. Chương IV- về “Quản lý cung cấp các dịch vụ CNTT” đã thấy rõ doanh nghiệp muốn hoạt động ở loại hình dịch vụ nào phải đăng ký để được cấp phép, như vậy dự báo sẽ có vài chục ngàn doanh nghiệp kéo lên Bộ TT-TT xin cấp phép… Về đăng ký dịch vụ CNTT cũng có rất nhiều chồng chéo giữa các luật, cụ thể là Luật Doanh nghiệp chỉ một cửa đăng ký kinh doanh nhưng doanh nghiệp CNTT phải đăng ký dịch vụ, sản phẩm ở Bộ TT-TT…

Ông Dũng cũng nhấn mạnh: Dự thảo Nghị định phân loại dịch vụ CNTT theo tên gọi chứ không theo bản chất dịch vụ nên đẻ ra nhiều dịch vụ, như điện toán đám mây là dịch vụ hạ tầng chứ không nhất thiết phải thêm vào… Phân loại dịch vụ CNTT trong dự thảo nghị định này còn quá nhiều vấn đề trùng lắp, không sát thực tế.

Các doanh nghiệp tham gia tọa đàm chỉ ra một số bất hợp lý ở điều 5 chương I- Các hành vi bị nghiêm cấm: Cấm “Cung cấp dịch vụ CNTT cho tổ chức, cá nhân để tổ chức, cá nhân đó sử dụng vào các hoạt động bất chính nhằm gây phương hại đến Nhà nước, xã hội, môi trường hoặc tổ chức, cá nhân khác”. Nếu áp dụng theo điều này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet sẽ phải “chết hết” vì khi người cố tình dùng Intrenet vào việc không trong sáng, thậm chí là phạm tội, thì nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng dính tội theo…

Có lẽ vì thế, với quan điểm cá nhân, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, cho rằng, đây là nghị định về dịch vụ CNTT mà có những quy định về chứng chỉ nghề nghiệp, một vấn đề chẳng liên quan gì; hay ở điều 5 chương I- Các hành vi bị nghiêm cấm như đã nói trên, thiếu hẳn tính chặt chẽ pháp lý.

Và với thực tế từ nội dung của dự thảo nghị định này, cũng như tầm ảnh hưởng sau này của nghị định, các doanh nghiệp kiến nghị cần soạn thảo lại Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT để phù hợp với thực tế.

* Điểm “sáng” nhỏ nhoi trong dự thảo Nghị định về Dịch vụ CNTT nằm ở Chương III, điều 11, khoản 3 về “…hoạt động hợp tác kinh doanh dịch vụ nội dung số qua mạng viễn thông giữa tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông…” vì thời gian qua, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (Content Provider-CP) cho rằng họ bị “nhà mạng” hớt hết “phần ngon”.

Thực tế rất nhiều CP ca thán chuyện bị doanh nghiệp viễn thông “bắt nạt, chèn ép” với tỷ lệ ăn chia quá nghiêng về các nhà mạng (ở tỷ lệ 70 – 30 hoặc 60 – 40) khi CP đưa dịch vụ, sản phẩm của họ lên mạng viễn thông. Nhưng theo dự thảo này, khi hợp tác kinh doanh dịch vụ nội dung số qua mạng viễn thông, tỷ lệ phân chia doanh thu và lợi nhuận giữa tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải minh bạch, hợp lý, theo hướng ưu tiên tỷ lệ lớn hơn cho tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và hỗ trợ phát triển sản phẩm nội dung số.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục