Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng ra đời là một điều cần thiết. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng và bộ, ngành có liên quan, dự thảo của pháp lệnh vẫn còn những nội dung chưa phù hợp với thực tế.
Danh mục chi phí: Thiếu và chưa hợp lý
Danh mục kèm theo dự thảo pháp lệnh liệt kê mức chi phí 22 loại giám định, 5 loại định giá, mỗi loại chia thành nhiều mục nhỏ. Dù vậy, theo ông Trần Vi Dân (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an), danh mục này vẫn chưa đầy đủ các loại chi phí giám định trong hoạt động tố tụng. Ông băn khoăn, nếu pháp lệnh được ban hành với danh mục định khung sẵn như trong dự thảo sẽ gặp khó khăn khi “đụng” các chi phí mới phát sinh.
Bên cạnh đó, mức tính chi phí cũng chưa hợp lý. Chẳng hạn, với số tiền được nhận chỉ 30.000 - 100.000 đồng/buổi, không phải ai cũng đồng ý thực hiện nghĩa vụ làm chứng bởi thu nhập hợp pháp của buổi đó nếu họ đi làm sẽ cao hơn.
Hay chi phí cho người phiên dịch 50.000 - 500.000 đồng/buổi chỉ phù hợp khi người đó tham gia phiên tòa hay tham gia lấy lời khai, còn trong trường hợp phải phiên dịch tài liệu tiếng nước ngoài (như vụ tiêu cực xảy ra tại Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TPHCM có liên quan đến Công ty PCI của Nhật Bản) thì chưa thỏa đáng.
Ông Phạm Văn Minh (Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang) dẫn chứng một khoản khác: Chi phí giám định tử thi, hài cốt từ 400.000 - 2.500.000 đồng/vụ không tương xứng với những vất vả trong công việc của đội ngũ bác sĩ pháp y.
Ông Nguyễn Thái Phúc (Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TPHCM) cho rằng mức chi phí giám định cần được quy định một cách linh hoạt do còn tùy thuộc vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự biến động của giá cả thị trường, nếu không sẽ nhanh chóng lạc hậu. Do đó, để danh mục chi phí sát với thực tế, việc lấy thêm ý kiến của các bộ, ngành có liên quan để xây dựng danh mục cụ thể, phù hợp hơn là điều cần thiết. Đồng thời nên giao cho Chính phủ quy định mức chi phí này, hàng năm Chính phủ sẽ rà soát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung danh mục khi cần thiết.
Chủ thể chịu chi phí: Cần rõ ràng hơn
Pháp lệnh được kỳ vọng khi ra đời sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự, hành chính. Thế nhưng, vẫn còn những băn khoăn về quy định đối với chủ thể chịu chi phí.
Ông Nguyễn Thái Phúc đặt vấn đề: “Điều 27 dự thảo pháp lệnh đưa ra nguyên tắc: Người yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại phải chịu chi phí, trừ trường hợp kết luận giám định trước đó là sai sự thật, vi phạm pháp luật. Vấn đề là làm sao xác định kết luận giám định đã có là sai sự thật, vi phạm pháp luật? Ai là người có thẩm quyền xác định, và thời hạn xác định là bao lâu?”.
Ông Bùi Trí Dũng (Chánh án TAND tỉnh An Giang) nêu chi tiết: “Khoản 1 Điều 31 dự thảo pháp lệnh quy định người yêu cầu định giá phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá, vậy nếu người yêu cầu định giá không phải một cá nhân mà là nhiều người có yêu cầu độc lập thì cơ sở nào tính toán tỷ lệ nộp tiền tạm ứng?”.
Sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa pháp lệnh với các văn bản pháp luật khác cũng là vấn đề cần được lưu tâm. Ông Trần Văn Khương (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, theo khoản 2 Điều 6 dự thảo, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng dân sự và tố tụng hành chính có thể tự mình trưng cầu giám định. Nội dung này cần phải xem lại vì Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính không quy định cơ quan tiến hành tố tụng tự yêu cầu trưng cầu giám định…
ÁI CHÂN