(SGGPO).- Sáng nay, 19-9, Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM (gọi tắt là Hiệp hội) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc góp ý đề án lập quỹ bảo trì đường bộ (lần 2).
Theo Hiệp hội, trước những đòi hỏi từ thực tế hạ tầng giao thông hiện nay, việc thành lập quỹ bảo trì đường bộ để tập trung kinh phí sử dụng vào việc sửa chữa, bảo trì hệ thống cầu, đường và các công trình giao thông khác thuộc cơ sở hạ tầng đường bộ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, tại Điều 8 Dự thảo Nghị định quy định về nguồn hình thành quỹ, trong đó cơ quan soạn thảo đưa ra hai kịch bản khác nhau là chưa phù hợp với thực tế vì các lý do sau:
Thứ nhất, các phương tiện vận tải sử dụng cùng một dịch vụ phải đóng tới 3 lần phí bảo trì đường bộ.
Thứ hai, quy định xe sử dụng nhiên liệu dầu diesel cao hơn 1,5 lần xe sử dụng xăng là mang tính áp đặt, không thực tế và không công bằng.
Thứ ba, sẽ gây thất thu và lãng phí lớn.
Thứ tư, quy định tách đầu kéo với Sơ mi rơ moóc để thu phí riêng đối với mỗi loại thiết bị là không phù hợp, dẫn đến mức thu quá cao đối với loại xe tổ hợp này; xe chở container 40 fit phải chịu phí gấp 2 lần xe chở container 20 fit là vô lý.
Thứ năm, Bộ Tài chính cho rằng, nếu thu phí qua xăng dầu sẽ đẩy giá xăng dầu tăng cao khi sắp tới xăng dầu phải gánh chịu thêm thuế môi trường và quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Từ những vấn đề nêu trên, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi bổ sung Dự thảo Nghị định và Dự Thảo thông tư theo hướng sau:
Thứ nhất, cần chấm dứt việc thu phí xăng dầu trước khi thu phí bảo trì đường bộ hoặc chuyển nguồn thu phí xăng dầu qua cho quỹ bảo trì đường bộ.
Thứ hai, kiến nghị tiếp tục áp dụng phương thức thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, không thực hiện thu qua đầu phương tiện (phương án này mang tính chấp áp đặt và không công bằng).
Thứ ba, Nhà nước nên mua lại các dự án BOT tại các tuyến cầu, đường độc đạo để tránh trường hợp phí chồng phí…
Được biết, tại Điều 8 Dự thảo Nghị định quy định về nguồn hình thành quỹ, trong đó cơ quan soạn thảo đưa ra hai kịch bản khác nhau như sau:
Kịch bản 1: Phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp trên đầu phương tiện ô tô. Phí sử dụng đường bộ ấn định 1.000 đồng/lít xăng thông thường. Ngân sách cấp trực tiếp cho quỹ gồm: Ngân sách Trung ương cấp cho quỹ trung ương; Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp cho quỹ địa phương tương ứng. Các khoản vay nợ (ODA), viện trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Kịch bản 2: Phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp trên đầu phương tiện ô tô. Ngân sách cấp hàng năm: Từ thuế nhập khẩu xăng, ấn định 1000 đồng/01lít xăng. Ngân sách cấp trực tiếp cho quỹ: Ngân sách Trung ương cấp cho quỹ trung ương; Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp cho quỹ địa phương tương ứng. Các khoản vay nợ (ODA), viện trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Đ.Lý