Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: “Siết” vượt tuyến

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được các bộ, ngành và các cơ quan chức năng lấy ý kiến để đi đến thống nhất trình Quốc hội sắp tới. Nhưng để tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên, nội dung dự thảo đã thu hẹp quyền lợi của người bệnh vượt tuyến, trái tuyến. Tuy nhiên, bù lại là mở rộng quyền lợi, hỗ trợ cho các diện chính sách để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế: “Siết” vượt tuyến

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được các bộ, ngành và các cơ quan chức năng lấy ý kiến để đi đến thống nhất trình Quốc hội sắp tới. Nhưng để tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên, nội dung dự thảo đã thu hẹp quyền lợi của người bệnh vượt tuyến, trái tuyến. Tuy nhiên, bù lại là mở rộng quyền lợi, hỗ trợ cho các diện chính sách để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

        Vượt tuyến: Không thanh toán

Theo nội dung dự thảo, việc sửa đổi bổ sung Luật BHYT tập trung sửa đổi, bổ sung về nhóm đối tượng, hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình; tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT… Đặc biệt, theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), việc sửa đổi làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các bên liên quan; củng cố và nâng cao vai trò quản lý nhà nước về BHYT; bảo đảm hài hòa quyền lợi và trách nhiệm giữa 3 bên: người bệnh, cơ sở cung ứng dịch vụ và khả năng chi trả của quỹ BHYT, góp phần giảm gánh nặng chi phí y tế trực tiếp từ tiền túi của cá nhân, hộ gia đình. Điều đáng nói, theo Vụ Bảo hiểm y tế, việc điều chỉnh sửa đổi Luật BHYT đồng hành với các đề án của Bộ Y tế, trong đó có đề án giảm tải bệnh viện. Do đó, dự thảo luật lần này sẽ thu hẹp quyền lợi của bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến.

Bệnh nhân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Bệnh nhân nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, sau 4 năm thực hiện Luật BHYT thanh toán cho bệnh nhân trái tuyến, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh: từ 3 triệu lượt (2010) lên 9,5 triệu lượt (2011) và 11,6 triệu lượt (2012). “Do người bệnh nhẹ cũng đổ xô lên tuyến trên để khám chữa bệnh khiến nhiều bệnh viện quá tải. Thậm chí chỉ bị hắt hơi, sổ mũi cũng xin lên tuyến trên. Trong khi qua các đề án hỗ trợ của Bộ Y tế, nhiều cơ sở y tế tuyến dưới đã được nâng cấp”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhìn nhận. Theo quy định hiện nay, bệnh nhân nội trú khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến được thanh toán 30% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 70% ở tuyến huyện. Còn bệnh nhân ngoại trú cũng được thanh toán 30% ở tuyến trung ương. Trong khi đó, tình trạng bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú đang là gánh nặng cho các bệnh viện tuyến trên, gây áp lực quá tải rất lớn. Vì vậy, điểm mới nổi bật trong dự thảo sửa đổi Luật BHYT là giảm mức thanh toán cho diện bệnh nhân ngoại trú chỉ còn 20% thay vì 30% như hiện hành.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì mức giảm thanh toán cho bệnh nhân ngoại trú xuống còn 20% vẫn chưa giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Lý do là với mức thanh toán này chưa tạo ra áp lực tài chính với người bệnh. Trong khi rất nhiều bệnh đơn thuần các cơ sở tuyến dưới chữa được lại vắng bệnh nhân, tạo ra sự lãng phí. Do đó, nội dung dự thảo sửa đổi Luật BHYT cũng đưa ra một phương án khác là không thanh toán với trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến. Đây được xem là một giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế tối đa quá tải tuyến trên, nhưng cũng là đòi hỏi thiết thực cơ sở y tế tuyến dưới phải được “nâng cấp” để tránh thiệt thòi cho người bệnh nhưng cũng tạo niềm tin cho người bệnh.

        Tăng hỗ trợ diện chính sách

Theo dự thảo, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì lợi ích, lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì nhiều đối tượng khó lòng tham gia BHYT. Theo Luật BHYT hiện hành, người bệnh nghèo vẫn đồng chi trả 5% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế mức sống của người nghèo nước ta hiện nay quá thấp, không có khả năng chi trả khám bệnh, chữa bệnh, kể cả mức thấp nhất 5% trong tổng số tiền chi trả viện phí. Hơn nữa, thực tế người nghèo chủ yếu sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận được các dịch vụ y tế. Mỗi lần ốm đau thì tiền tàu xe, ăn nghỉ để đến cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc trung ương chưa chắc đã đủ nên việc quy định 5% đồng chi trả đối với người nghèo để hạn chế lạm dụng Quỹ Bảo hiểm y tế là chưa thuyết phục. Cho nên, nhiều ý kiến cho rằng đối với người nghèo cần được hỗ trợ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh thay vì 95% như hiện nay.

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, dự thảo cũng đã đưa ra chính sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được quỹ BHYT thanh toán 100% thay vì 95% như hiện nay; đối tượng thuộc hộ cận nghèo hưởng BHYT cũng tăng từ 80% lên 95%. Ngoài ra người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản, thân nhân của người có công cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thay vì mức hưởng 80% như hiện nay…

Hiện cả nước mới khoảng 70% dân số (khoảng 63 triệu người) tham gia BHYT, trong đó chủ yếu đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, riêng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được ngân sách hỗ trợ... Trong khi số người mua BHYT tự nguyện còn rất hạn chế và thông thường đến khi có bệnh hoặc bị bệnh mạn tính mới chịu mua gây thâm lạm quỹ BHYT. Do đó, để tiến tới BHYT toàn dân, cần có chính sách khuyến khích cụ thể, nhất là chính sách BHYT theo hộ gia đình. Bên cạnh bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh, cũng cần có giải pháp để nâng cao dịch vụ cho người bệnh BHYT chứ không thể phân biệt đối xử như tại một số bệnh viện công hiện nay.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục