Mổ xẻ vòng quay đào tạo và sử dụng lao động đang bế tắc ở nhiều ngành nghề, trong đó có ngành y dược, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Lỗi này thuộc về ai? Dự báo, định hướng sai hay tại mở mã ngành quá dễ, đào tạo tràn lan, chất lượng yếu?
Quá lãng phí!
Mới đây, tại cuộc họp giữa Sở GD-ĐT và Sở Y tế TPHCM bàn thảo về đào tạo nhân lực ngành sức khỏe (trình độ trung cấp chuyên nghiệp - TCCN) trong tương lai đã đưa ra con số cảnh báo: khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp, không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo. Không chỉ có điều dưỡng, dược sĩ trình độ trung cấp khó tìm được việc làm mà ngay cả bác sĩ, cử nhân ngành sức khỏe ra trường cũng chịu cảnh long đong chờ việc.
Dẫn chứng thực tế này, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP cho biết: “Ngay cả Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch đào tạo ra 400 người nhưng chỉ sử dụng được 1/2. Sở Y tế TP cũng đau đầu lắm nhưng giải quyết đầu ra rất khó. Đó là chưa kể điều dưỡng ở các tỉnh khác cũng đổ về TP tìm việc làm khiến áp lực gia tăng…”. Cũng theo ông Bỉnh, tình trạng đào tạo điều dưỡng tràn lan, dư thừa, nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành y tế.
Nhìn lại thực tế mới thấy giật mình vì sự nở nồi quá nhanh của các cơ sở đào tạo khối ngành y dược trên địa bàn TPHCM. Nếu năm 2007, toàn TP chỉ có 3 cơ sở thuộc các trường đại học y dược đào tạo trình độ TCCN đào tạo nhân lực ngành y dược thì đến nay có đến 27 cơ sở, với 5 trường công lập, 22 ngoài công lập tham gia đào tạo gần 14.000 điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ.
Điều đáng nói là ngay cả những trường có uy tín như ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cũng chỉ có quy mô đào tạo 400 học viên/khóa nhưng có trường ngoài công lập “sinh sau đẻ muộn” mạnh tay chiêu sinh, đào tạo cả ngàn học viên ngành y dược! Không những thế, tình trạng bội thực ngành này sẽ trầm trọng hơn khi mùa tuyển sinh sắp đến, nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN tiếp tục định hướng, tư vấn cho học sinh chọn ngành y dược, nhất là điều dưỡng vì dễ kiếm việc làm. Điều gì sẽ xảy ra nếu học sinh nào cũng chạy theo nghề ‘hot” và tư vấn của các nhà đào tạo lệch pha?
Nhìn thấy kịch bản sẽ dư thừa nhân lực ngành điều dưỡng, tại hội nghị triển khai công tác giáo dục chuyên nghiệp ở TPHCM gần đây, đại diện Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) đã cảnh báo các trường không nên tập trung tuyển sinh ngành này. Đây là “ba-ri-e” đối với các trường TCCN đã mở ngành đào tạo y dược hoặc có chiến lược đầu tư dài hơi.
Bức xúc về tình trạng dư thừa nhân lực y dược, PGS.TS Trần Xuân Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Hồng Bàng, trăn trở: “Chỉ có 40% - 50% học viên tốt nghiệp ra trường có công ăn việc làm, còn lại thất nghiệp. Điều này cũng cho thấy những nỗ lực của nhà trường trong việc đào tạo ngành y dược bị vô hiệu hóa. Nó cũng không hợp với một quốc gia còn nghèo nhưng phí phạm nhân lực đã đào tạo...”. Không những thế, khi cung vượt cầu sẽ phát sinh tiêu cực vì phí chạy việc làm trong ngành y dược, bệnh viện công sẽ cao, thậm chí lên đến cả trăm triệu đồng.
Hóa giải bế tắc?
Như vậy, việc sử dụng không hết công suất đào tạo ở nhiều ngành, trong đó mới nhất là ngành y dược là lỗi của ai? Phân tích bế tắc trong đào tạo và sử dụng, nhiều ý kiến cho rằng thực trạng này xuất phát từ nhiều phía, trong đó công tác dự báo, định hướng đào tạo ngành nghề chưa sát, thậm chí vênh với nhu cầu sử dụng. Tiếp đến và việc mở ngành học quá dễ, đào tạo tràn lan nhưng thiếu chuẩn, chất lượng không đạt yêu cầu…
Một trong những lý do khiến các nhà tuyển dụng chê lao động ngành sức khỏe là do chất lượng đào tạo không đồng đều, thiếu chuẩn thống nhất. Đồng tình với đề xuất phải thống nhất chuẩn đầu ra, nhiều ý kiến đề nghị ngành GD-ĐT phải duyệt chương trình khung đào tạo, kiểm tra kỹ điều kiện được mở ngành cũng như giám sát chất lượng đào tạo.
Th.S Huỳnh Thị Thành (Trường CĐ Bách Việt) cảnh báo rằng: “Nếu cứ để mỗi trường mỗi làm một kiểu thì không thể có nguồn nhân lực đạt yêu cầu sử dụng. Có một nghịch lý đáng báo động và đang tồn tại ở nhiều trường là chạy theo số lượng và thiếu đầu tư trang thiết bị, mô hình giảng dạy nghề điều dưỡng. Vì thế, học viên phải học chay hoặc trên màn hình ti vi là chính. Do thiếu thực hành một cách trầm trọng và thời lượng học ngắn nên nhiều điều dưỡng viên, y tá ra trường nhưng cầm kim tiêm không đúng cách hoặc xử lý tình huống phát sinh trong công việc chuyên môn kém. Tình trạng đào tạo ồ ạt mà không tính đến chỗ thực tập cho sinh viên rất đáng lo ngại về chất lượng. Nhiều bệnh viện đã quá tải bệnh nhân không thể sắp xếp chỗ thực tập cho hàng ngàn sinh viên ngành sức khỏe có nhu cầu thực hành.
Giải thích về nghịch lý bệnh viện quá tải, thiếu điều dưỡng, nhân viên y tế nhưng không thể tuyển thêm người, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói rằng chỉ tiêu biên chế có hạn, cộng thêm áp lực phải chia sẻ nguồn thu nhập khiêm tốn nên các bệnh viện phải cân nhắc. Đây là “nút thắt” và rất cần khai thông chính sách tuyển dụng kèm những kênh tạo việc làm cho nhân lực ngành sức khỏe, góp phần giảm áp lực dư thừa.
Sắp tới, TPHCM sẽ trở thành siêu đô thị với hơn 10 triệu dân và nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ gia tăng. Thế nhưng, nếu việc dự báo đào tạo ngành y dược trình độ TCCN hoặc cử nhân vẫn tù mù và tuyển sinh đào tạo tràn lan như trước đây thì mức độ dư thừa sẽ gia tăng hơn.
Chính vì thế, để hóa giải bế tắc này TPHCM sẽ thành lập Hội đồng chuyên gia các cơ sở đào tạo ngành sức khỏe với sự tham gia của hai Sở GD-ĐT, y tế, các trường có đào tạo ngành sức khỏe để định hướng cung cầu, nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu của xã hội, kể cả chiến lược đào tạo điều dưỡng viên đi nước ngoài làm việc.
KHÁNH BÌNH
| |