Đưa cồng chiêng vào trường học

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa ở huyện Bắc Trà My là một trong những ngôi trường ở vùng cao của tỉnh Quảng Nam đang phát triển sôi nổi các đội cồng chiêng học sinh. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích cho học sinh nội trú mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Đưa cồng chiêng vào trường học

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa ở huyện Bắc Trà My là một trong những ngôi trường ở vùng cao của tỉnh Quảng Nam đang phát triển sôi nổi các đội cồng chiêng học sinh. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích cho học sinh nội trú mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Đội cồng chiêng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa biểu diễn trong các ngày hội của làng. Ảnh: ĐỖ TRƯỞNG

Đội cồng chiêng học sinh

Nằm tựa lưng dưới những ngọn núi cao của dãy Trường Sơn ngút ngàn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa có 380 học sinh, đa phần là con em đồng bào các dân tộc thiểu số Cor, Cadong, Tày, Nùng… Ngôi trường này không chỉ nổi tiếng về tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng hàng năm đạt hơn 40% mà còn bởi sự đam mê âm hưởng cồng chiêng của những học sinh nơi đây.

Là một trong những người khởi xướng đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học, thầy Trần Phúc, hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi tham dự các lễ hội thấy những tiết mục biểu diễn cồng chiêng của đồng bào rất đặc sắc nên ban giám hiệu đã đưa cồng chiêng vào chương trình sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, nhằm góp phần cùng bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây.

Do phần lớn thầy cô giáo đều là từ dưới xuôi lên đây công tác nên thời gian đầu nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai ý tưởng này. Nhà trường đã phải nhờ cán bộ văn hóa của huyện Bắc Trà My cùng với một số già làng xuống tận làng đúc đồng Phước Kiều ở thị xã Điện Bàn chọn mua 5 bộ cồng chiêng ưng ý nhất, sau đó về dạy các em tập đánh chiêng. Với sự tâm huyết của các thầy cô giáo và đam mê của các em học sinh, năm 2010 hai đội cồng chiêng của nhà trường chính thức ra mắt với mỗi đội gồm 4 học sinh nam. Đồng thời, nhà trường cũng dạy các điệu múa truyền thống của các dân tộc cho học sinh nữ để kết hợp biểu diễn với đội cồng chiêng nam.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay 12 lớp của trường đều có đội chiêng và đội múa thường xuyên sinh hoạt đều đặn hàng tuần. Đặc biệt, những năm học gần đây, học sinh lớp 11 và 12 đã biết hướng dẫn lại cách đánh cồng chiêng cho những học sinh  mới vào học tại ngôi trường này.

Lưu giữ văn hóa truyền thống

Chúng tôi đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa đúng vào dịp nhà trường đang tổ chức liên hoan cồng chiêng giữa các lớp, với sự tham dự của đông đảo thầy trò nhà trường, đại diện lãnh đạo các xã và bà con nhân dân địa phương. Trong trang phục đầy màu sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao, các em học sinh tập trung xung quanh một cây nêu được dựng giữa sân trong khu vực ở nội trú.

Với tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của thầy cô giáo và nhân dân địa phương, những tiết mục đánh cồng chiêng kết hợp với những điệu múa uyển chuyển về các chủ đề, như: Mừng lúa mới, ăn tết mùa, cúng bến nước hay đâm trâu huê… được các em biểu diễn thuần thục như những chàng trai, cô gái trưởng thành trong các lễ hội của bản làng.

Thành viên của đội chiêng lớp 12/3, em Huỳnh Đức Trung, cho biết, để có tiết mục dàn dựng sinh động tái hiện không khí vui tết mùa của bản làng, cả lớp đã cùng nhau tập luyện nhiều ngày liền để đội nam đánh cồng chiêng ăn khớp với đội múa của các bạn nữ.

Lắng nghe chăm chú những âm thanh ngân vang và từng động tác đánh chiêng từ những tiết mục biểu diễn của các em học sinh, già làng Trần Văn Tiếu ở xã Trà Giác cho biết, già cảm thấy rất phấn khởi vì nhà trường đã duy trì được hoạt động ý nghĩa để học sinh không lãng quên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và cũng từ đây đã có nhiều em trở thành thành viên trong đội hình đánh cồng chiêng chính của bản làng mỗi dịp có lễ hội.

Cũng theo già làng Trần Văn Tiếu, âm hưởng cồng chiêng là âm thanh không thể thiếu trong mọi không gian sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây. Trong lễ tạ thần khai rẫy, lễ đón nước về làng, lễ thổi tai cho đứa trẻ mới chào đời, lễ chúc phúc cho trai làng, gái bản nên duyên vợ chồng… nếu không có tiếng cồng, tiếng chiêng thì tất cả không còn ý nghĩa nữa.

Nguyên Khôi - Đỗ Trưởng

Tin cùng chuyên mục