Đưa công nghệ cao vào làm muối

Với 23km bờ biển, hơn 1.600ha, sản lượng 111.000 tấn muối năm 2014, TPHCM (huyện Cần Giờ) đứng thứ 3 trong 21 địa phương sản xuất muối.
Đưa công nghệ cao vào làm muối

Với 23km bờ biển, hơn 1.600ha, sản lượng 111.000 tấn muối năm 2014, TPHCM (huyện Cần Giờ) đứng thứ 3 trong 21 địa phương sản xuất muối.

 Không thể so với nghề nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm, nghêu… về giá và thu nhập, nhưng đây là nghề không quá nhiều bất trắc, nhất là với người nghèo, nhờ từng bước cải tiến, hạn chế thiệt hại từ mưa trái mùa nên đời sống diêm dân đỡ vất vả hơn.

Sản xuất muối tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: MỸ HẠNH

Nhiều cải tiến

Nghề làm muối truyền thống lấy nước biển phơi kết tinh trên nền đất vào mùa nắng, sản phẩm là muối thô, năng suất và chất lượng thấp. Quá trình này phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nếu nắng nóng thì được mùa, nếu xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa dễ bị giảm năng suất. Do vậy, khi thấy lợi ích rõ nét của sản xuất muối trải bạt thay kiểu sản xuất truyền thống, diêm dân huyện Cần Giờ, nhất là xã Lý Nhơn đã mạnh dạn đầu tư vốn vay ưu đãi làm diện tích muối trải bạt tăng nhanh, từ 2.000m² lúc thí điểm, vụ mùa 2013 - 2014 có gần 910ha (theo kế hoạch đến năm 2015 là 500ha), tăng gần 520ha so với vụ trước đó. Thu nhập bình quân 1ha muối trải bạt là 38,2 triệu đồng, cao hơn 2 lần so với sản xuất muối nền đất. Đó là nhờ trải bạt nên thời gian muối kết tinh nhanh hơn, muối đầu vụ được bán giá cao, cuối vụ lại kéo dài thời gian sản xuất so với không trải bạt nên năng suất bình quân 74 tấn/ha so với muối đất 58,7 tấn/ha. Muối trải bạt có hạt to, đều, không lẫn tạp chất và hàm lượng NaCl cao giúp hạt muối trắng, chắc, vị đậm đà không đắng nên giá bán cao hơn khoảng 100 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 1kg muối trải bạt chỉ 783 đồng so với muối đất hơn 913 đồng/kg.

Đặc thù của Cần Giờ là nền đất yếu, không thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc trên đồng muối, ngay cả độ sạch của nước biển Cần Giờ có nhiều tạp chất so với một số vùng sản xuất muối duyên hải miền Trung. Do đó, sản xuất muối kết tinh trên ruộng trải bạt là phương pháp sản xuất muối sạch phù hợp với đặc thù tại đây.

Không dừng lại việc ứng dụng tấm bạt để sản xuất muối nhằm tìm ra giải pháp thích ứng trong sản xuất muối ở huyện Cần Giờ, trước những biến đổi thất thường của thời tiết, mới đây, mô hình trữ nước muối ở hầm chạt đã được thử nghiệm. Vụ muối 2013 - 2014, Chi cục Phát triển nông thôn và Sở Khoa học - Công nghệ TP phối hợp với huyện Cần Giờ hỗ trợ 17 hộ với 34ha ở xã Lý Nhơn và Thạnh An tham gia việc xây dựng hầm chứa nước (nhà nước hỗ trợ 50% chi phí), với mục tiêu trữ nước muối đã cô đặc nhưng khi gặp mưa trái mùa bị tan chảy được dẫn về hầm chứa có mái che bên trên, giúp bà con không bị mất trắng như trước khi giảm thời gian muối kết tinh, qua đó giảm thiệt hại khi sản xuất. Đây còn là nơi lắng tạp chất khi dẫn nước về hồ chứa và là nơi tích trữ cho mùa sản xuất muối năm sau. Có thể nói, với việc ứng dụng những cải tiến này đã giúp ích rất nhiều cho người dân, làm thay đổi cơ bản nghề sản xuất muối Cần Giờ. 

Tiếp tục cải thiện

Theo ông Đoàn Văn Hợp, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) TP, người làm nghề muối đa số là hộ nghèo. Do ít vốn, các hộ nghèo thường bán “muối non” để có tiền trang trải ngày tết nên giá rất thấp. Vì vậy, để nghề này phát triển bền vững, diện tích và sản lượng cần phù hợp với quy hoạch để bảo đảm cung cầu thị trường, giúp diêm dân ổn định thu nhập. Để thu nhập cao hơn, phải hạ giá thành và nâng cao chất lượng, sản lượng. Thị trường quyết định việc tiêu thụ, từng hộ bán dễ bị ép giá, nếu liên kết lại thành tổ, HTX sẽ có tiếng nói mạnh hơn trong thương thảo, là công cụ hỗ trợ giúp sản xuất cá thể phát triển. Đồng quan điểm này, ông Trần Xuân Điền, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, cho rằng, để có đầu ra ổn định, không nên tự phát sản xuất muối, cần tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân sản xuất muối chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường, đó là muối công nghiệp và muối y tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng kho dự trữ muối quốc gia tại Cần Giờ để tạm trữ khi thị trường gặp khó khăn đầu ra. Ông Phan Thành Thuộc, Chủ nhiệm HTX muối Tiến Thành cho rằng, cần cải tiến thêm bước nữa, dùng năng lượng mặt trời trong việc sử dụng máy bơm nước, giảm thêm chi phí đầu vào cho hạt muối.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, nhấn mạnh, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, hỗ trợ lãi vay, kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ giúp nghề muối có bước phát triển khá căn cơ, đời sống người dân được nâng lên. Nhưng cũng phải nhìn nhận, dù làm tốt nhưng có mặt còn phải tiếp tục khắc phục, hoàn thiện. Như đánh giá lại việc áp dụng khoa học kỹ thuật, xem xét điều kiện hỗ trợ vốn vay, mở rộng thị trường góp phần tiêu thụ muối của người dân và tiếp tục xây dựng giao thông nông thôn vùng sản xuất muối. Việc tìm ra hướng đi, giải pháp phát triển, tổ chức lại sản xuất, nâng cao mô hình, kết nối với tiêu thụ là những điều còn phải giải quyết không chỉ để nghề muối phát triển mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới tại Cần Giờ.

CÔNG PHIÊN

Cần sáng tỏ

Có thể nói, việc ứng dụng tấm trải bạt vào sản xuất muối ở huyện Cần Giờ (TPHCM) giúp cho việc kết tinh hạt muối nhanh hơn, trắng hơn, năng suất cao hơn nên thu nhập của diêm dân cao hơn 2 lần so với nghề làm muối truyền thống (nền đất). Và việc làm hầm chạt muối giải quyết vấn nạn những cơn mưa trái vụ, làm tan chảy muối kết tinh chưa kịp thu hoạch mà diêm dân luôn thấp thỏm vì sự thất thường của thời tiết.

Tại hội nghị sản xuất và tiêu thụ muối năm 2014 tuần qua tại Cần Giờ, đại diện Sài Gòn Co.op cho biết, hạt muối Cần Giờ đã khẳng định vị trí trên thị trường. Lượng muối Cần Giờ tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Co.opMart cả nước từ 30 tấn/tháng năm 2010, lên gần 80 tấn/tháng/năm 2013. Nhà nhập khẩu nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada đánh giá cao chất lượng hạt muối Cần Giờ so với các địa phương khác ở phía Nam. Thế nhưng, bên cạnh sản lượng và chất lượng được nâng cao, cũng cần làm rõ thêm một số vấn đề mà nhà phân phối thắc mắc. Điều băn khoăn hiện nay cần làm rõ vì sao khách hàng nước ngoài chỉ mua muối sản xuất truyền thống trên nền đất. Ông Đặng Quý Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam (SOSAL Group) cho biết, muối trải bạt hạt trắng hơn, cảm quan hấp dẫn hơn, ít tạp chất, nhưng hạt cứng, ăn chát hơn. Có lẽ do vậy, nên khách hàng Nhật, Hàn chỉ mua muối đất (truyền thống) do hương vị nguyên chất.

Ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho rằng, việc áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, năng suất giúp sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt và có tính bền vững. Xét cho cùng, bất cứ sản phẩm nào làm ra cũng để bán, phải có thị trường tiêu thụ. Đây là vấn đề phát sinh mới cần được tìm hiểu sâu hơn. Vì vậy, bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Phòng Phát triển hàng nhãn riêng của Saigon Co.op, đề nghị, cần làm rõ tiêu chuẩn chất lượng các tấm trải bạt khi có nhiều thương hiệu khác nhau trên thị trường, trong khi người làm muối hoàn toàn không biết về chuyện này và việc sử dụng keo kết dính 2 tấm bạt có ảnh hưởng gì đến chất lượng hạt muối. Những vấn đề này cần sớm được sáng tỏ.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục