Nhằm tạo điều kiện khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế mang tính đặc thù để xây dựng TP Đà Lạt thành một thương hiệu lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1528/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt.
Thủ tướng trao quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt cho Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt
Nhiều cơ chế đặc thù
Theo Quyết định 1528/QĐ-TTg, tỉnh Lâm Đồng được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Đà Lạt như: được cho phép các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản (trừ các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng) tại Đà Lạt sau khi hoàn thành hạ tầng được phép chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch; tỉnh được thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập quy hoạch phân khu chức năng và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh theo quy hoạch Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tỉnh Lâm Đồng cũng được ưu tiên nhiều nguồn vốn để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông quan trọng và các công trình trọng điểm phát triển TP Đà Lạt. Một nội dung đáng chú ý nữa là tỉnh Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” đầu tiên của Việt Nam tại TP Đà Lạt.
Đối với doanh nghiệp đầu tư tại Đà Lạt, được xem xét miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng khu du lịch quốc gia và khu du lịch trọng điểm của Đà Lạt; được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được, trong thời gian 5 năm đầu thực hiện quyết định.
Cải thiện môi trường đầu tư
|
Tại lễ công bố Quyết định 1528/QĐ-TTg và xúc tiến đầu tư và Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh và các cơ chế, chính sách đặc thù đã được phê quyệt, Đà Lạt cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, coi trọng quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch. Thủ tướng nhấn mạnh hai lĩnh vực mà Đà Lạt cần tập trung phát triển là du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, từ đó xây dựng Đà Lạt thành thương hiệu lớn mang tầm quốc gia và quốc tế. Để phát triển du lịch, cần có cơ chế chính sách về đất đai, dành vị trí tốt cho các dự án du lịch. Đặc biệt, cần huy động cả cộng đồng vào cuộc và cộng đồng phải giữ nét văn minh, lịch sự, hiếu khách. Cùng với du lịch, Đà Lạt cần phát huy lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó sản phẩm rau Đà Lạt phải có thương hiệu an toàn, không độc tố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, yếu tố quan trọng để thực hiện được các mục tiêu nói trên là phải có môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Dẫn chứng ở một đất nước “vạn đảo” như Indonesia nhưng thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ mất 3 giờ, Thủ tướng nói: “Chúng ta cửa quyền, phức tạp, hách dịch, khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực... Tất cả những điều đó làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư”. Vì vậy, Đà Lạt - Lâm Đồng cần phải có chuyển biến mạnh mẽ để cải tạo môi trường đầu tư kinh doanh. Phải xây dựng chính quyền điện tử với đội ngũ cán bộ tốt, tận tâm phục vụ doanh nghiệp và người dân; làm sao để doanh nghiệp đến Đà Lạt có được môi trường thông thoáng, cởi mở, thân thiện và phải coi thành công của doanh nghiệp như là thành công của bản thân. Thủ tướng giao các bộ, ngành “xắn tay áo” cùng với Lâm Đồng để thực hiện Quyết định 1528. Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, nhằm tạo khí thế mới để phát triển.
Nhiều nguồn lực phát triển Đà Lạt Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, tại lễ công bố Quyết định 1528/QĐ-TTg, UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trên các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị... trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận nhằm tập trung các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành thành phố thông minh, hiện đại, thân thiện, cơ bản đạt những tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. |
NAM VIÊN - ĐOÀN KIÊN