Hai năm một lần, Bộ Công thương tổ chức hội nghị gặp gỡ các tham tán thương mại với doanh nghiệp (DN), mục đích đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Hội nghị năm 2016, được tổ chức ở 3 vùng miền của đất nước vừa khép lại, đã để lại nhiều ấn tượng mạnh với những người tham gia, đặc biệt là tại TPHCM.
Như thông lệ, 73 tham tán công sứ của Việt Nam tại nhiều nước đã có mặt tại hội nghị gặp gỡ với lãnh đạo và DN các tỉnh phía Nam. Hội trường của Tổng Công ty Điện lực miền Nam chật cứng, cả ở bên trong lẫn các cửa ra vào và ngoài hành lang. Chưa có năm nào thành phần khách mời và nội dung thảo luận lại sôi nổi như năm nay. Điều này có thể tạm lý giải, chỉ riêng năm 2015, Việt Nam đã tham gia ký kết 4 hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Mới đây nhất, ngày 4-2 vừa qua, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết giữa 12 nước, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Tất cả những động thái trên cho thấy, Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới và DN Việt Nam không thể đứng bên ngoài cuộc chơi toàn cầu. Và muốn chơi được ở bên ngoài quốc gia, cách duy nhất là phải có đầy đủ thông tin.
Trở lại với hoạt động của hội nghị, hàng loạt vấn đề nóng bỏng của các DN đã được đưa ra, từ những khó khăn trong các quy định mới ở các nước sở tại, đến công tác vận chuyển hàng hóa, tìm hiểu thông tin, làm thể nào để hàng Việt ra nước ngoài một cách nhanh nhất, nhưng lại hiệu quả nhất… Còn các tham tán cũng làm cho người tham gia hội nghị không khỏi xúc động, bởi những việc họ đã làm, công sức họ bồi đắp để sản phẩm Việt Nam tìm được chỗ đứng trong các quầy kệ, siêu thị.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, kể, tháng 7-2015, quả xoài cát chu của Việt Nam lần đầu tiên được bày bán trên các quầy kệ của hệ thống siêu thị Aeon tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. Cùng với trái thanh long, đây là loại trái cây thứ hai của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản vốn được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu khó tính. Theo ông Dũng, để đưa trái xoài cát chu Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải mất 5 năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật Bản chấp thuận. Tương tự, Tham tán Đào Trần Nhân, phụ trách thị trường Hoa Kỳ cũng cho rằng, để đưa được một sản phẩm trái cây vào thị trường này, phải mất từ 5-7 năm chuẩn bị hồ sơ, các đối tác cũng nhiều lần bay sang Việt Nam để khảo sát thực tế, mới chấp nhận. Mặc dù các sản phẩm may mặc, giày dép, thủy hải sản xuất khẩu nhiều vào Hoa Kỳ, nhưng đối với hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi còn rất hạn chế. Hiện mới chỉ có 4 loại trái cây là thanh long, chôm chôm, vải và nhãn. Theo ông Đào Trần Nhân, các bộ ngành chức năng Việt Nam đang tiến hành các bước cần thiết để giải tỏa thêm 2 mặt hàng là xoài và vú sữa để nâng lên 6 mặt hàng trong thời gian tới.
Nói như vậy để thấy rằng, việc mở rộng xuất khẩu, tăng cường đầu tư ra nước ngoài có sự góp sức rất lớn của các tham tán trong vai trò là người mở đường, là “cánh tay nối dài” của cơ quan nhà nước tại thị trường nước ngoài.
Tuy vậy, trong quá trình hoạt động của các tham tán vẫn còn những hạn chế nhất định. Nguyên nhân chính là tài chính, nguồn lực của chúng ta còn rất yếu. Tại nhiều thị trường, hiện mới chỉ một người làm tham tán công sứ nên “việc chồng việc”. Nhiều năm theo đoàn công tác của lãnh đạo TPHCM sang khảo sát, xúc tiến tại Myanmar, không ít người đã chứng kiến sự lăn xả của nguyên Tham tán Trần Phước Anh tại Myanmar - người đã có công rất lớn để hỗ trợ DN Việt Nam tăng cường đầu tư, hợp tác thương mại tại Myanmar.
Để hàng Việt ngày càng vươn mạnh ra thế giới, ngoài việc chủ động nắm bắt cơ hội của các DN, đã đến lúc chúng ta cần đầu tư mạnh hơn cho các công tác xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Trong đó, việc cơ cấu lại nhân sự, tăng nguồn tài chính cho các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là vấn đề vô cùng cấp bách trong giai đoạn mới. Còn với các tham tán, họ cũng ý thức rất rõ, vai trò, nhiệm vụ của mình trong tiến trình hội nhập. Nói như ông Nguyễn Trung Dũng, Việt Nam đã hội nhập rất sâu, rộng với thế giới. Do vậy, nhiệm vụ của một tham tán ngoài việc làm công tác đối ngoại và xúc tiến truyền thống thì cần nghiên cứu sâu các hiệp định, kết hợp với các chính sách của từng nước sở tại. Cụ thể, tại Nhật Bản không chỉ đang thực hiện FTA đã ký với Việt Nam mà họ cũng là một trong các thành viên tham gia Hiệp định TPP. Ngay khi mới ký kết, họ đã thay đổi nhiều cơ chế chính sách và đã có sự chuẩn bị rất kỹ. Họ cũng đã đưa ra hàng loạt các chính sách cải tổ kinh tế, liên quan đến cơ cấu, các nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nếu không có sự nghiên cứu, nắm bắt kịp thời để có được những nguồn thông tin chính thống nhất, từ đó tư vấn tốt nhất cho các bộ, ngành và DN. Khi có sự thống nhất, kết nối, “chung sức chung lòng” vì DN Việt, sản phẩm Việt và vì chính sự phát triển của nền kinh tế, chắc chắn tiến trình hội nhập của Việt Nam sẽ đi nhanh hơn.
THÚY HẢI