(SGGPO).- Lễ hội bánh dân gian Nam bộ (BDGNB) vừa được khai mạc tại thành phố Cần Thơ và kéo dài cho đến ngày 19- 4.
Sáng nay, 17- 4, dù thời tiết nóng bức thế nhưng rất đông khách từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tìm đến tham quan và thưởng thức hàng trăm loại bánh ngon làm từ gạo, nếp, rau củ…
Sau khi đi một vòng ngắm nhìn rất nhiều gian hàng trưng bày và chế biến nhiều loại bánh độc đáo, chị Huỳnh Thị Phượng, ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) tâm sự: “Do đợt này ngày nghỉ lễ nên từ sáng sớm gia đình tôi thuê xe qua Cần Thơ để tham dự lễ hội BDGNB. Thật bất ngờ khi chứng kiến hàng trăm loại bánh thơm, ngon, được chế biến và trưng bày bắt mắt. Mấy thành viên trong gia đình tôi ăn hoài mà không ngán, thiệt… đã miệng”.
Các sản phẩm bánh làm từ gạo
Cùng tâm trạng trên, anh Lê Ngọc Lề, ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết: “Cả nhà tui cũng vượt 50 cây số để xuống thành phố Cần Thơ thưởng thức lễ hội bánh độc đáo này. Ngoài việc được ăn nhiều loại bánh ngon, bánh mới mà lần đầu tiên biết tới, gia đình tôi còn được tận mắt nhìn các quy trình làm bánh, cách chọn bột, pha bột, chế biến… Qua đó, người xem học hỏi được cách làm những loại bánh ngon để về nhà áp dụng”.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ - Trưởng Ban tổ chức lễ hội, cho biết: “Lễ hội BDGNB năm nay thu hút trên 150 gian hàng bánh dân gian, đặc sản vùng miền, thủ công mỹ nghệ, quà tặng… trong và ngoài vùng ĐBSCL, cùng 20 gian hàng quốc tế của 8 quốc gia (Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Ý). Sản phẩm từ hạt gạo, hạt bắp, sáng tạo của cư dân châu thổ, của văn minh lúa nước được dịp khoe sắc, trình diễn đa dạng, sôi nổi nhất với hàng trăm loại bánh dân gian, 66 đặc sản, 20 loại thức uống dân gian, 20 loại chè, 15 loại bún…”.
Một gian hàng trong lễ hội
Có thể nói, du khách đến với lễ hội sẽ được thưởng thức nhiều loại bánh ngon như: Bánh tét, bánh ú, bánh lá dừa, bánh mặn, bánh đúc, bánh chuối, bánh gai, bánh lá, bánh cay, bánh tép chiên, bánh phu thê, bánh đùm, bánh ú, bánh tét nước tro, bánh ú nhân mặn, bánh ú nhân ngọt, bánh ít nhân dừa, bánh ít nhân đậu, bánh xếp… Rồi bún cá, bún mắm, bún suông, bún nước lèo, bún bò Huế, bánh canh Trảng Bàng, lẩu mắm... Không gian văn hóa ẩm thực được mở rộng với bánh mì, bánh ngọt theo tiêu chuẩn Pháp; bánh bạch tuộc, bánh xèo (Nhật Bản); bánh dân gian Malaysia; lạp xưởng tươi YoKa; hồng sâm, nấm linh chi, ẩm thực Hàn Quốc; ẩm thực Lào; kem Bellany Gelato (Ý), bánh Mouse Auffin socola...
Lần đầu tiên Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT&DL) trực tiếp tham gia với phần tổ chức cuộc thi bánh dân gian thời hội nhập. Gần 30 đơn vị sẽ giới thiệu đặc sản, tài hoa thông qua nghệ thuật làm bánh bằng ngũ cốc Việt Nam, không dùng các loại nguyên liệu ngoại nhập. Cũng lần đầu tiên, 1.500 cuốn sách “Tìm hiểu BDGNB” của Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng được xuất bản, cung cấp nhiều thông tin về cội nguồn bánh quê, hấp dẫn bánh chợ, bảo tồn và phát huy bánh trong xu thế hội nhập hôm nay.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL nhấn mạnh: Lễ hội là dịp để giao lưu, phát triển ngành sản xuất chế biến BDGNB. Đặc biệt, lễ hội diễn ra đúng vào dịp giỗ tổ Hùng Vương càng mang thêm ý nghĩa hướng về nguồn cội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người văn hóa Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất chế biến bánh dân gian phát triển, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm văn hóa ẩm thực của người dân Nam bộ…” .
THỐNG NHẤT