Trăn trở trước tình trạng lan rừng ngày một suy giảm, anh Võ Văn Công (40 tuổi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã làm việc chẳng giống ai là tuyển chọn những giống lan quý trong vườn mang vào rừng để gieo, được nhiều người công tác trong ngành lâm nghiệp đánh giá cao.
Gieo mầm sống
Đến thăm vườn lan của gia đình anh Công khi anh đang tất bật thu gom và phân loại hạt các giống lan. Trước sự ngạc nhiên và tò mò của chúng tôi, anh Công giải thích: “Nhóm mình đang gom quả lan để đưa vào rừng gieo. Tổng cộng có hơn 100 quả thuộc 2 nhóm địa lan và phong lan. Nhóm địa lan gồm Mạc Lan và Thanh Ngọc. Nhóm phong lan có Hoàng Thảo Đơn Cam, Long Tu, Giáng Hương, Hồng Dâu, Giáng Hương Tam Bảo Sắc”. Tôi ngỏ ý muốn đi cùng nhóm, anh Công gật đầu, hẹn sáng hôm sau xuất phát.
Đúng hẹn, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình với điểm đến là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Vừa đặt chân đến cửa rừng, nhóm đã bị 2 cán bộ kiểm lâm chặn lại truy hỏi mục đích vào rừng. Anh Công gọi điện cho ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh để thông báo vụ việc, sau đó đưa máy cho anh kiểm lâm nghe. Từ bên kia đầu dây, giọng ông Hoan vang lên nghe rõ mồn một: “Để nhóm cậu Công vào đi. Cậu ấy vào trồng lan đấy”. Nghe thế, anh kiểm lâm hướng dẫn đường đi cho nhóm. Đến khoảng 9 giờ 15, nhóm đến được tiểu khu 433, sau đó để xe máy lại rồi cùng leo lên đỉnh núi để tìm địa điểm phù hợp gieo hạt. Đến độ cao tầm 800m, thấy một vạt rừng có cây cối rậm rạp, thảm thực vật dày cùng nhiều cây gỗ mộc bắc ngang, anh Công ra hiệu cho anh Trần Đức, một thành viên trong nhóm đến trao đổi rồi kết luận: “Chỗ này có đầy đủ yếu tố như độ ẩm, không khí và ánh sáng để các loại lan thuộc nhóm địa lan phát triển”. Dứt lời, nhóm tập trung tại vị trí trên rồi chia hạt ra gieo. Cầm quả lan trên tay, anh Công lắc nhè nhẹ cho hạt bay ra ngoài bám vào các gốc, thân cây mộc hay lớp thực bì. Sau 30 phút lội rừng, hàng chục quả lan thuộc nhóm địa lan đã được gieo xong.
Nhóm tiếp tục di chuyển sang cánh rừng già khác để tìm chỗ gieo hạt cho các loại phong lan. Sau 4 giờ băng rừng, nhóm hoàn tất việc gieo hạt. Riêng anh Công cẩn thận lấy bút, giấy ra vẽ sơ đồ đường đi và vị trí gieo hạt. “Lan từ lúc gieo đến lên cây phải mất vài năm. Tôi đánh dấu vị trí để sau này đi kiểm tra, đánh giá sự sinh trưởng, phát triển của lan dễ dàng hơn”, anh Công nói.
Anh Công gieo hạt lan giữa Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Ăn ngủ với lan rừng
Việc đưa lan về rừng của anh Công bắt đầu từ 2 năm qua. Thấy phong trào chơi lan bùng phát mạnh mẽ, nhiều người đổ xô vào rừng ồ ạt thu gom lan về bán khiến lan rừng ngày càng cạn kiệt, nên anh quyết định làm gì đó để bảo tồn lan. Anh Công tâm sự: “Tôi nghĩ rằng, hạt lan trồng trong vườn với điều kiện thiếu thốn còn lên được huống hồ gì đưa về rừng trồng sẽ lên tốt hơn. Vậy nên tôi quyết định gom quả lan để mang vào rừng gieo”. Nghĩ là làm và từ đó đến nay anh đã nhiều đợt đưa hạt lan vào gieo mầm ở những khu rừng tại Kon Tum. Theo anh Công, để làm việc này cần phải tuân thủ nghiêm ngặt 2 yếu tố là đặc tính khu rừng chọn gieo và đặc tính loài lan. “Đây là những yếu tố quyết định sự thành bại của việc gieo lan. Thông thường, nhóm tôi hay chọn những khu rừng ở vườn quốc gia, khu bảo tồn để gieo vì nơi đó ít chịu sự tác động của con người, xác suất lan mọc cao hơn. Trong khi đó, mỗi loại lan đều có môi trường sinh sống khác nhau nên khi gieo phải chọn những vạt rừng có địa thế, đặc tính cũng như môi trường phù hợp với sinh trưởng của chúng. Sở dĩ tôi biết điều này bởi sau 20 năm mê lan, tôi đã đến và ăn ngủ tại rất nhiều cánh rừng. Các nơi tôi đến, có rất nhiều loại lan mọc ở những địa hình khác nhau nên phải ghi chép cẩn thận để lấy kinh nghiệm cho riêng bản thân”, anh Công giải thích.
Nói về việc “đưa củi về rừng” của anh Võ Văn Công, ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, đánh giá: “Anh ấy đam mê các loại lan lắm. Anh đã phát hiện và phối hợp với nhà khoa học công bố loại lan mang tên Công Y. Ngoài ra, anh Công cũng thường hợp tác với các phòng khoa học của vườn chúng tôi để nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn lan, cũng như sưu tầm các mẫu lan quý, góp phần làm phong phú, đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Vì thế, tôi đánh giá cao và ghi nhận ý tưởng cũng như tinh thần của anh Công. Hiện lan chỉ mới được gieo và mang tính thử nghiệm nên phải mất vài năm mới đánh giá được hiệu quả. Vườn sẽ tiếp tục phối hợp với anh Công theo dõi sự sinh trưởng của những loại lan đã gieo”.
VÕ PHÚC