(SGGPO).- Sáng 7-2, tại Đà Lạt, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển cây mắc-ca, trong đó hai vùng tự nhiên rất phù hợp là Tây Bắc và Tây Nguyên có khả năng phát triển trên diện tích rộng. Đây là loại cây có thể trồng xen với các loại cây công nghiệp truyền thống và chủ đạo hiện nay là cây cà phê. Tuy vậy, cho đến nay Việt Nam chưa có chiến lược phát triển toàn diện cây mắc-ca để phát triển bền vững và tránh các bẫy trở thành quốc gia cung cấp nguyên liệu giá rẻ.
Hạt mắc-ca trồng ở Lâm Đồng
Tại hội thảo, các tham luận cũng đã tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ các vấn đề về đặc điểm sinh trưởng, tình hình sản xuất và tiêu thụ, giá trị cây mắc-ca trên thế giới; thực trạng phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam, nhất là Tây Nguyên và Tây Bắc; triển vọng, chiến lược và các giải pháp, kiến nghị cho phát triển cây mắc-ca tại Lâm Đồng cũng như nhân rộng cho toàn Tây Nguyên trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp và hình thành chuỗi giá trị các cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn Tây Nguyên.
Kết luận hội thảo, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nhấn mạnh: “Với cơ sở khoa học, thực tiễn trồng thử nghiệm và nhu cầu trong nước và trên thế giới về hạt mắc-ca, chúng ta đi đến thống nhất về định hướng đưa cây mắc-ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên. Thấy rõ việc cần nắm bắt cơ hội, tuy còn khó khăn, thách thức nhưng qua đó đưa ra giải pháp căn bản để biến triển vọng trồng loại cây đặc biệt này trở thành hiện thực, đem lại hiệu quả bền vững trên nhiều mặt”.
Tin, ảnh: Nam Viên