Đua nhau mở ngành học gắn với công nghệ số

Năm 2023, nhiều trường đại học tuyển sinh thêm những ngành học mới gắn với kỷ nguyên số nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngay cả những trường có truyền thống đào tạo khối ngành kinh tế chuyển thành trường đa ngành cũng bắt đầu tuyển sinh các khối ngành thuộc lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục băn khoăn là điều kiện về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... liệu đã đảm bảo?
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) đang học thực hành tại phòng thí nghiệm
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) đang học thực hành tại phòng thí nghiệm

Nhiều ngành học mới liên quan công nghệ

Theo GS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, điểm mới nhất trong năm 2023 là trường mở nhiều ngành học mới gồm: Công nghệ tài chính (Fintech), Marketing công nghệ (Martech), Kinh doanh số (Digital business), Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI), Công nghệ logistics (Logtech)… Ngoài ra, trường sẽ cho ra mắt các chương trình song ngành/song bằng tích hợp mới là Kinh tế chính trị và luật, Quản trị địa phương. Mặc dù giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm 2022, nhưng trường sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trong khi đó, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM đã đồng ý mở mới nhiều ngành bậc đại học ở các trường thành viên, như thí điểm mở ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường ĐH Công nghệ thông tin); Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên); Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Thú y (Trường ĐH An Giang); Y học cổ truyền và ngành điều dưỡng (Khoa Y).

Còn tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng, cho biết, trong năm 2023, trường dự kiến mở 5 ngành học mới là: Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử.

Tương tự, nhiều trường đại học tại khu vực phía Bắc cũng bắt đầu mở nhiều ngành học mới, trong đó có nhiều ngành gắn với công nghệ số. Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở 5 ngành học mới: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Y sinh, Ngôn ngữ học. Trường ĐH Ngoại thương cũng sẽ mở hai ngành mới được đào tạo tại trụ sở chính là Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế.

Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT, có 4 nhóm ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Kinh doanh và quản lý. Cùng với việc mở một số ngành mới để đáp ứng nhu cầu xã hội, một số trường đại học cũng dừng tuyển sinh các ngành sau nhiều năm không tuyển sinh được.

Phải đảm bảo chất lượng

Theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường đại học mở thêm ngành học mới, đặc biệt là nhóm ngành công nghệ, là phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế - xã hội. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các ngành nghề đang có xu hướng thay đổi theo nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và gắn liền với kỷ nguyên số, nên sự tương tác về ngành nghề đang rất rộng lớn, tích hợp ngành nghề có sự đan xen và mở rộng chứ không còn đơn lẻ như giai đoạn trước đây. Cùng với đó, thị trường lao động đang vận hành với rất nhiều ngành nghề. Do đó, hệ thống đào tạo cũng phải tự điều chỉnh và phát triển thêm những ngành nghề mới theo hướng công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Tổ chức sự kiện, Digital marketing… Kể cả những ngành kinh doanh cũng đang có sự tích hợp giữa kinh doanh và công nghệ nên ra đời các ngành Quản lý công nghệ, Quản lý kỹ thuật y tế…

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, đánh giá xu hướng công nghệ đang chiếm ưu thế, những ngành lai giữa công nghệ và các ngành kỹ thuật khác như Quản trị kinh doanh thực phẩm, Marketing digital, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, AI (Trí tuệ nhân tạo), Công nghệ thông tin... cũng đang là xu thế lựa chọn của học sinh.

“Từ năm 2020, xu hướng thích lựa chọn những ngành công nghệ “lai” kinh tế cũng phổ biến hơn trước nhiều. Các em thích công nghệ nhưng cũng thích kinh tế, vì thế các em đang băn khoăn giữa lựa chọn kinh tế và công nghệ, và lúc đó các trường đại học đã cho ra đời các ngành mới để phù hợp với nhu cầu của các thí sinh”, ThS Phạm Thái Sơn nhìn nhận và cho rằng, cùng với các chương trình đào tạo mới, các trường cần có sự đổi mới, gắn sát với thực tế như sự tham gia của những doanh nhân, kỹ sư tài năng, những người từng trải nghiệm, thành công trong các lĩnh vực... Vì vậy, từ những bài học thực tế “người thật, việc thật” sẽ giúp sinh viên biết được là cần làm gì, cần học tập như thế nào, cần trải nghiệm ra sao trong giai đoạn mà công nghệ đang phát triển vượt bậc.

Trong khi đó, theo các chuyên gia giáo dục, khi các trường đại học được tự chủ mở ngành, xác định chỉ tiêu thì phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ GD-ĐT (quy định về mở ngành đào tạo, quy định về xác định chỉ tiêu) để việc học và thực hành đúng thực chất. Về phía người học, khi bước vào thế giới nghề nghiệp, đừng nghĩ rằng học đại học sẽ thành công rất cao, còn những bậc học khác không thành công. Trong thị trường việc làm của thời kỳ kỷ nguyên số, then chốt nổi bật chính là sự phù hợp. Mỗi người có một sở trường, một điều kiện để bước vào nghề nghiệp và thị trường lao động, nên nguyên tắc bất đi bất dịch để lựa chọn ngành nghề phải theo năng lực, sở thích và đam mê.

Tin cùng chuyên mục