Mỗi năm cả nước có tới 4 vạn người ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao của nước ta có trình độ chuyên môn không hề thua kém các nước tiên tiến, chi phí dịch vụ thấp hơn nhưng nhiều người bệnh có thu nhập cao vẫn chưa mặn mà. Nghịch lý này đang là bài toán nan giải của ngành y tế…
Đua nhau ra nước ngoài chữa bệnh
Vừa mới đưa mẹ sang một bệnh viện ở Singapore để thay giác mạc, chị Hương - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên về may mặc không giấu nổi niềm vui khi mẹ mình nhanh chóng khỏi bệnh.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hương kể: Thực sự trước khi quyết định đưa bà ra nước ngoài chữa bệnh, gia đình cũng đã không ít lần đưa tới một số bệnh viện mắt ở trong nước để khám nhưng mệt mỏi quá! Bệnh viện lúc nào cũng đông đúc nên để có giác mạc thay thế phải xếp hàng chờ đợi hàng tháng. Còn ở bên Singapore dù chi phí khá tốn kém nhưng chỉ mất chưa đầy 1 tuần là mẹ mình đã được thay giác mạc mới trong một môi trường điều trị hoàn hảo.
Ra nước ngoài du lịch và chữa bệnh đang là xu hướng của nhiều người có kinh tế khá giả, không chỉ để chứng tỏ mình là người có thu nhập cao mà hơn cả là đó là sự… yên tâm. Trong căn phòng đầy tiện nghi hiện đại, anh Dũng - một đại gia chuyên về dược phẩm thẳng thắn cho biết: Mặc dù quen biết khá nhiều bệnh viện trong nước nhưng vừa rồi vẫn quyết định bỏ ra hơn 20.000 USD đưa vợ sang Thái Lan vừa du lịch vừa kết hợp chữa trị u xơ tử cung… Trong khi đó, từng đưa mẹ đi mổ van tim tại một bệnh viện ở Singapore, chị Thúy làm đại diện cho một doanh nghiệp nước ngoài, cho biết: Gần nửa tháng mẹ mình điều trị bên đó, mất đứt mấy trăm triệu đồng, nhưng bù lại chữa bệnh mà như đi an dưỡng trong resort. “Đã là người có thu nhập thì mỗi khi ốm đau bệnh tật lại không tội gì không lựa chọn cho mình một bệnh viện điều trị thật tốt cho dù tốn kém…”, chị Thúy thẳng thắn nói.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người ra nước ngoài khám chữa bệnh, tiêu tốn gần 2 tỷ USD, tương đương với khoảng 40.000 tỷ đồng. Đây thực sự là một số tiền không nhỏ đang bị “chảy máu” ra nước ngoài. TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, ngoài một số nước ở khu vực châu Á là điểm đến quen thuộc như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc thì gần đây có không ít người Việt sẵn sàng chi hàng “đống tiền” để sang Mỹ, Pháp, Australia chữa bệnh.
Chọn ngoại hay nội ?
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn, không ít bệnh nhân sau khi tốn kém hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn USD để ra nước ngoài chữa bệnh vẫn phải tìm về bệnh viện trong nước để chữa trị mới khỏi bệnh.
TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội thẳng thắn cho biết: Không phải người bệnh nào ra nước ngoài chữa bệnh cũng khỏi bệnh hay được chăm sóc trong môi trường chất lượng dịch vụ y tế hoàn hảo. Không ít trường hợp lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” vì nhiều bệnh viện ở nước ngoài mà người bệnh được giới thiệu tới chỉ là những bệnh viện nhỏ, hạng 2-3. Vì vậy mà có những thời điểm, Bệnh viện Việt Đức phải tiếp nhận tới 5-6 trường hợp sau khi đi ghép gan, ghép thận ở nước ngoài về phải tới Bệnh viện Việt Đức để điều trị lại do tai biến hay phải ghép lại. Đau xót hơn có trường hợp mất tới cả tỷ đồng ra nước ngoài ghép gan nhưng khi về nước chỉ sống thêm chưa đầy 1 tháng.
Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Y tế, nhiều lĩnh vực y học kỹ thuật cao của Việt Nam như ghép tạng, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật về tim mạch, xương khớp, nhi khoa… đã có những tiến bộ, phát triển vượt bậc, đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến nhưng chi phí dịch vụ lại khá rẻ. Chẳng hạn như chi phí một ca ghép thận ở Việt Nam chỉ khoảng 100 triệu đồng, bằng 1/3 so với Thái Lan hay Trung Quốc, thay khớp háng và khớp gối tại Việt Nam chỉ cần 90 triệu đồng, trong khi tại Singapore gấp hơn 6 lần, hay chụp động mạch vành thực hiện dịch vụ tại Việt Nam là 8,4 triệu đồng nhưng chụp tại Singapore tốn đến 64 triệu đồng…
Phó Cục trưởng Trần Quý Tường cho biết, ngành y tế đã triển khai chiến lược lựa chọn các thành tựu, thế mạnh về mũi nhọn y tế chuyên sâu trong khám chữa bệnh của mỗi bệnh viện, mỗi chuyên khoa để đầu tư thêm, nhờ đó đã thực hiện được các kỹ thuật khó, xây dựng các chuyên khoa sâu trong thời gian ngắn nhất. Qua đó đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, không chỉ hỗ trợ điều trị cho người dân trong nước mà cả các bệnh nhân người nước ngoài.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong năm 2012, số người nước ngoài đến Việt Nam vì mục đích học tập, chữa bệnh… tăng 2,1% so với năm trước, đạt gần 360.000 lượt người. Trong đó, nhiều người nước ngoài đã tìm tới các bệnh viện Từ Dũ, Nhi trung ương, Phụ sản trung ương, Huyết học truyền máu, Châm cứu… để khám chữa nhiều bệnh nan y.
| |
MINH KHANG