Vừa qua, Sở Y tế TPHCM phối hợp với Tổ Công tác bình ổn thị trường tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai Quyết định số 1346/QĐ của UBND TPHCM ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2015 - 2016. Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu đến từ các bệnh viện, các nhà thuốc trên địa bàn và các doanh nghiệp (DN) tham gia CTBOTT. So với năm 2014, chương trình năm nay tiếp tục lớn mạnh, với sự vào cuộc của cả hệ thống y tế TP.
Bình ổn 21 nhóm thuốc và 550 mặt hàng
Mở đầu hội nghị, Th.S-DS Đỗ Văn Dũng, Phó trưởng Phòng điều hành Phòng quản lý dược, Sở Y tế TPHCM đã thông báo đến các đại biểu về kế hoạch thực hiện CTBOTT các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2015 và Tết Bính Thân 2016 tại TPHCM. Theo đó, mục đích của chương trình là nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, kiểm soát tốt giá cả bình ổn thị trường, chăm lo an sinh xã hội; đồng thời, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế và Chương trình “Thuốc Việt cho người Việt” của Sở Y tế TPHCM. Do vậy, thuốc trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, đảm bảo chất lượng. Lượng thuốc bình ổn có khả năng cân đối cung - cầu cho người dân TP, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động giá thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu tăng cao.
Các đơn vị tham gia CTBOTT năm 2015 trình diễn các loại thuốc bình ổn tại Hội nghị triển khai CTBOTT các mặt hàng dược phẩm năm 2015 - 2016. Ảnh: Thái Nguyệt
Danh mục thuốc bình ổn thị trường của TPHCM được xây dựng căn cứ vào danh mục thuốc chủ yếu dùng cho cơ sở khám chữa bệnh, danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam ban hành và nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu của người dân TP. Căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như khả năng cung ứng của các DN, CTBOTT các mặt hàng dược thiết yếu sẽ thực hiện bình ổn đối với 21 nhóm thuốc, 150 hoạt chất với 551 mặt hàng và đã được Sở Tài chính niêm yết giá. Theo tính toán, số lượng thuốc bình ổn sẽ chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu mà người dân TP sử dụng trong năm.
Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất từ 5% - 10%. Sở Y tế và Sở Tài chính xác định giá thuốc bình ổn năm 2015 căn cứ vào việc tham khảo giá thuốc tham gia chương trình tại thời điểm đăng ký, giá thuốc trúng thầu thông qua đấu thầu tập trung tại Sở Y tế năm 2014 và thặng số bán lẻ tối đa cho phép theo Thông tư số 15/2011/TT-BYT ngày 19-4-2011 của Bộ Y tế. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn thị trường, các đơn vị được điều chỉnh tăng giá bán. Khi điều chỉnh tăng giá bán bình ổn, đơn vị thực hiện đăng ký lại giá bán và được Sở Y tế, Sở Tài chính thẩm định, chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên, các đơn vị phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng, có gửi thông báo về các sở, ngành chức năng. Điều quan trọng, giá thuốc tham gia chương trình phải niêm yết công khai, thống nhất và có in logo chương trình trên băng rôn ở tất cả các điểm bán.
Doanh số thuốc bình ổn tăng theo từng tháng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan, cho biết, ngay sau khi UBND TPHCM ban hành quyết định triển khai CTBOTT các mặt hàng dược phẩm năm 2015, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương để thực hiện. Sở cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo gửi các phòng y tế quận, huyện và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để việc triển khai chương trình tốt hơn với nhiều giải pháp phù hợp và cử các chuyên viên đến các phòng y tế, thông qua những cuộc họp hành nghề y dược, giao ban quận, huyện để triển khai làm tốt công tác này.
Đối với các bệnh viện, sở thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc việc thực hiện CTBOTT trong các cuộc họp giao ban, yêu cầu lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo thầy thuốc kê đơn thuốc nội và thuốc bình ổn trong điều trị, đưa nội dung kê đơn thuốc bình ổn vào công tác thi đua, khen thưởng của bệnh viện. Về phía các bệnh viện đã tích cực vận động các bác sĩ điều trị kê toa thuốc, đồng thời có nhiều giải pháp kiểm soát việc kê đơn thuốc, chỉ đạo các nhà thuốc thực hiện đầy đủ những cam kết khi tham gia CTBOTT. Theo nhận định của bà Phạm Khánh Phong Lan, công tác chỉ đạo đã đi vào chiều sâu, huy động cả hệ thống cùng tham gia CTBOTT các mặt hàng dược phẩm dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy.
Chính sự theo dõi, chỉ đạo sát sao, doanh số thuốc bình ổn tiếp tục tăng theo từng tháng. Tổng doanh số bán thuốc bình ổn năm 2014 đạt khoảng 104 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần so với doanh số năm 2013. Đối với từng DN, doanh số bán thuốc bình ổn tăng khoảng 30%, góp phần làm cho doanh số bán thuốc nội tăng tương ứng. Tỷ lệ thuốc bình ổn trên tổng giá trị thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện TP tăng từ 20% lên 30%; các bệnh viện quận, huyện tăng từ 30% lên 40%, góp phần làm cho tỷ lệ tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các bệnh viện tuyến TP đạt 45% và tuyến quận, huyện đạt 65% tổng số tiền thuốc điều trị. Doanh số bán thuốc bình ổn ở các nhà thuốc bệnh viện chiếm khoảng 30% tổng doanh số bán thuốc của toàn TP.
| |
Kim Chung