
Năm 2005 sẽ có một cuộc chạy đua ngạt thở, thu hút sự chú ý của giới hâm mộ thể thao thế giới và cư dân 5 thành phố, đó là cuộc chạy đua quyền tổ chức Olympic mùa hè 2012 giữa Paris (Pháp), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha), Moscow (Nga) và New York (Mỹ).

Mô hình trung tâm đua thuyền bên dòng sông Moscow.
Từ tháng 2 Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) sẽ thị sát, xem xét công tác tổ chức, địa điểm thi đấu và khả năng tài chính của các đơn vị đăng cai. Sau đó, trong kỳ họp toàn thể IOC ngày 6-7-2005 tại Singapore, 122 nước thành viên sẽ bỏ phiếu kín, trao quyền cho thành phố xứng đáng nhất.
Để giành được quyền tổ chức, mỗi thành phố phải có tối đa 62 phiếu trong số 122 thành viên IOC ở vòng bỏ phiếu đầu tiên. Tiếp đó, phải có thêm sự ủng hộ của những thành phố bị loại sớm trong hai vòng còn lại. Chuyện này khá căng thẳng vì thành viên IOC hiện có 3 nhóm: một chỉ thích nói tiếng Pháp, một ưa dùng tiếng Anh và nhóm cuối ưng tiếng Tây Ban Nha.
- Nỗi lo công trình lớn
London dự kiến chi 2,375 tỷ bảng cho việc xây dựng các cơ sở thi đấu, 7 tỷ bảng để xây Làng Olympic (để 80 % VĐV chỉ mất 20 phút xe là đến được các nơi thi đấu) và hệ thống giao thông. Sau khi kết thúc Olympic, chính phủ và Ủy ban phát triển London sẽ chuyển làng Olympic thành nơi ở (bán cho dân).
Chính phủ Anh dự kiến sẽ kiếm được ít nhất 100 triệu bảng Anh tiền lãi. Một phần lớn khoản lãi này sẽ dùng vào việc phát triển các môn thể thao phong trào (theo đòi hỏi của IOC là phải trích 60 % cho việc này). Phần lãi còn lại Ủy ban Olympic Anh và IOC sẽ “cưa đôi”.

London dự tính sẽ quy hoạch lại một khu vực lớn phía Đông để xây Công viên Olympic. Họ cũng có những cơ sở thể thao có sẵn như tổ hợp tennis Wimbledon, sân vận động Wembley và công viên Hyde Park. Trưởng đoàn tranh cử Sebastien Coe (cựu VĐV Anh vô địch Olympic 1980 và 1984 ở cự ly 1.500m) nhấn mạnh, London có đến 10 tuyến đường dẫn đến Công viên Olympic (9 tuyến đã đi vào hoạt động) trong khi Olympic 2000 chỉ có một tuyến.
Trưởng đoàn Moscow 2012 là phó thị trưởng Valery Shantsev nói, ông thừa nhận Moscow phải vượt qua nhiều chướng ngại như giải quyết triệt để nạn kẹt xe, việc thiếu phòng khách sạn, sân bay chưa hiện đại. Ông cũng công nhận thói quen dân Nga là chờ nước gần đến chân mới nhảy: “Chúng tôi thường chỉ vùng lên khi bị dồn vào chân tường”.
Moscow cho biết, thành phố sẽ chi khoảng 8 tỷ USD (chủ yếu từ các nhà đầu tư tư nhân) trong 4 năm tới, để xây dựng nhiều công trình thi đấu. Chẳng hạn, một tổ hợp tennis 12.000 chỗ ngồi ở phía Bắc thành phố, sẽ mang tên cựu chủ tịch IOC Juan Antonio Samaranch để làm đối trọng với tổ hợp tennis Roland Garros của Paris: “Nó sẽ là sân tennis lớn nhất châu Âu, có thể tổ chức mọi loại giải, từ trẻ cho đến Grand Slam”.
Một sân bóng đá 50.000 chỗ (sẽ thuộc quyền sở hữu của CLB Spartak) cũng sẽ được xây dựng. Một nhà thi đấu 10.000 chỗ vừa khánh thành tại Moscow, tháng 2 tới sẽ tổ chức giải vô địch trượt băng tốc độ thế giới 2005. Trước đó, giải tennis nữ cuối cùng năm 2004 cũng diễn ra tại đây. Nhà thi đấu này có thể tổ chức 15 môn Olympic.
Dự kiến, Làng Olympic cùng nhiều công trình mới (như trung tâm báo chí) sẽ được xây dọc sông Moscow, trong khi thành phố sẽ sử dụng lại các nơi từng tổ chức thi đấu Olympic Moscow 1980 sau khi nâng cấp. Ví dụ, sân Luzhniki (84.000 chỗ, từng diễn ra lễ bế mạc, khai mạc và các trận bóng đá), hoặc Cung thể thao Olympiisky 35.000 chỗ (từng tổ chức đấu bóng rổ, thể dục dụng cụ).
- Hai niềm tự tin
Chủ tịch Ủy ban Olympic Tây Ban Nha, ông Jose Maria Etxberria, cho rằng chỉ có 3 thành phố xứng đáng chạy đua, trong đó có Madrid nhưng ông không nói rõ hai thành phố còn lại. Madrid 2012 dự kiến tổ chức 25 môn Olympic tại 3 khu vực vốn đã có sẵn 70 % cơ sở hạ tầng. Họ nói sẽ có sự giúp đỡ của ban tổ chức Olympic Barcelona 1992.
Madrid dự kiến sẽ bán được tổng cộng 8,8 triệu vé xem các môn thi đấu trong 16 ngày tranh tài, không kể gần 600.000 vé đáp ứng yêu cầu của IOC. Họ còn trông vào khả năng hơn 4 triệu du khách sẽ đến Madrid trong thời gian tổ chức (dự kiến từ 10 đến 26-8-2012). Giá vé còn tùy môn thể thao nhưng chắc chắn hơn 54 % số vé sẽ chỉ dưới 30 USD. Giá vé đắt nhất sẽ là vé tham dự lễ khai mạc (1.188 USD)
Trưởng đoàn New York 2012 là chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ Peter Ueberroth, đồng thời từng là tổng đạo diễn Olympic mùa hè Los Angeles 1984.
Ông nói, sức mạnh thể thao, kinh tế, tài chính của Mỹ là điều khỏi phải bàn. Họ sẽ có bài tẩy là một sân vận động Olympic ở khu Manhattan (sau đó sẽ là “nhà” của một CLB bóng bầu dục). Dù vậy, yếu tố địa lý khiến New York có thể không được chọn do IOC khó thể miễn cưỡng trao quyền cho Bắc Mỹ thêm một lần nữa: Atlanta từng tổ chức Olympic mùa hè 1996, Salt Lake tổ chức Olympic mùa đông 2002 (với sự cố “tặng quà trên mức tình cảm cho đoàn thị sát IOC, từ đó thành viên IOC bị cấm đến các thành phố tranh quyền tổ chức) và Vancouver sẽ tổ chức Olympic mùa đông 2010.
Nếu trao quyền cho New York, IOC có thể bị chỉ trích là “không phân phối bình đẳng triển vọng thịnh vượng”. Pháp từng tổ chức hai kỳ Olympic mùa hè, gần nhất là năm 1924, tức đã quá lâu, so với Moscow: 1980; Barcelona: 1992; London cũng 2 lần tổ chức nhưng gần đây nhất là năm 1948. Tuy nhiên, họ không phải là ứng cử viên sáng giá nhất vì vấn đề cơ sở hạ tầng và cũng vì sự ủng hộ của dân chúng không bì được dân Pháp và dân Tây Ban Nha.
New York có thể gặp khó khăn, nếu điểm qua danh sách thành viên IOC sẽ thấy họ khó có thêm được 18-20 phiếu để đi tiếp. Australia tuy ủng hộ Mỹ nhưng chắc chắn sẽ nghiêng về London. Dù hai năm qua Mỹ cũng ráo riết chống doping, cải thiện quan hệ với chủ tịch IOC Jacques Rogge và với IOC, tai tiếng Salt Lake “mua” phiếu vẫn làm các thành phố khác đắn đo.
So kè lực lượng thì Mỹ có James Easton (chủ tịch Liên đoàn bắn cung quốc tế) là một trong 4 phó chủ tịch IOC, nhưng trong ban chấp hành IOC chỉ có 2 người Mỹ là cựu VĐV chèo thuyền Anita Defrantz và cựu ngôi sao bóng chuyền Bob Ctvrtlik. Quá ít nếu so với 55 thành viên châu Âu trong IOC.
- Ánh sáng Paris
Hãng cá độ Ladbrokes (Anh) nhận định Paris là ứng cử viên sáng giá nhất với tỷ lệ cược 1 “ăn”2, tiếp theo là London (1-3), Madrid (1-4), New York (1-14) và Moscow (1-33).
Ưu thế của Pháp dựa vào những điều sau: 65 % nơi thi đấu đã có sẵn, chẳng hạn sân vận động Stade de France phục vụ World Cup 1988 sẽ là sân Olympic, sân Công viên các hoàng tử, tổ hợp quần vợt Roland Garros, Cung thể thao đa môn Bercy...Họ sẽ chỉ phải xây thêm 4 nơi thi đấu cho các môn xe đạp, bắn súng, bơi lội và thể dục dụng cụ. 13 nhà thi đấu phụ cũng sẽ được xây. 28 môn thi đấu sẽ được chia đều cho hai khu vực thi đấu chính ở phía Bắc và phía Tây. Cả hai chỉ cách Làng Olympic 10 phút ô tô. Làng chưa xây nhưng dự kiến chỉ cách Đại lộ Champs Elysées ở khu trung tâm 3 km.

Thị trưởng Paris B.Delanoe và bích chương vận động.
Nói về sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền, Paris có sự ủng hộ hết mình của Tổng thống Pháp Jacques Chirac: khi làm Thị trưởng Paris, ông ủng hộ cuộc tranh quyền tổ chức Olympic mùa hè 1992 (thuộc về Barcelona của TBN), lên làm TT lại ủng hộ cuộc tranh quyền Olympic 2008 (thuộc về Bắc Kinh của Trung Quốc). Hẳn ông không muốn thất bại lần thứ ba. Ngoài ra, theo một thăm dò dư luận 94% dân Paris và 80% dân Pháp ủng hộ việc tranh quyền đăng cai Olympic 2012.
Ở Paris, 95% phương tiện vận chuyển công cộng đều dẫn đến các nơi thi đấu. Về kinh nghiệm tổ chức, Paris cũng có thừa, điển hình là các trận bóng đá World Cup 1998 và giải điền kinh vô địch thế giới Paris 2003 tại Stade de France, nơi cũng thuộc hệ thống thi đấu điền kinh Golden League. Phó tổng giám đốc Paris 2012 Essar Gabriel đều là thành viên ban tổ chức các giải vừa kể.
Khi trình bộ hồ sơ vận động, Thị trưởng Bertrand Delanoe còn nói rõ, Paris 2012 sẽ thể hiện tuyệt đối tính bình đẳng giữa VĐV bình thường với VĐV khuyết tật dự Paralympic, và sẽ là Olympic đầu tiên không có tác động tiêu cực của hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường do nhiên liệu thải từ xe cộ bởi các loại phương tiện vận chuyển VĐV từ Làng Olympic đến nơi thi đấu sẽ là những loại xe đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Tính đạo đức sẽ được thể hiện bằng cách Paris hợp tác chặt chẽ với IOC trong việc chống doping.
Từ nay đến tháng 7, sẽ còn nhiều bất ngờ xảy ra, nhưng hẳn người hâm mộ thể thao cũng thích được xem bóng chuyền bãi biển mùa hè 2012 ngay dưới chân tháp Eiffel....
ANH THAO