Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam”, Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM (HEPZA) vừa phối hợp với các doanh nghiệp dược trong nước phát động chương trình đưa thuốc Việt chăm lo sức khỏe công nhân. Với chương trình này, gần 300.000 công nhân có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn với chi phí thấp.
Có thuốc gì xài thuốc đó
Khai trương từ hơn 2 năm nay, Phòng khám đa khoa tại KCN Tân Bình (TPHCM) tiếp nhận khá nhiều công nhân đến thăm khám và mua thuốc. Phần lớn họ thường bị các bệnh thông thường hoặc bệnh nghề nghiệp nên những loại thuốc cũng được cung ứng đầy đủ. Một bác sĩ tại phòng khám cho biết, một số doanh nghiệp mua thẻ BHYT cho công nhân nên mỗi lần đau ốm đều đến các bệnh viện khám và lấy thuốc về uống. Số còn lại khi bị cảm, đau bụng, tai nạn… tìm đến phòng khám vì không muốn bỏ ca làm để đi bệnh viện... Theo HEPZA, hiện số doanh nghiệp trong các KCN-KCX đã tăng nhiều trong các năm qua cùng với số công nhân lên gần 300.000 người. Gần như mỗi doanh nghiệp đều có một phòng y tế để phục vụ công nhân, thậm chí doanh nghiệp có số công nhân đông từ 1.000 người trở lên đã cho lập hẳn một phòng khám. Nếu không có thì ngành y tế cho phép lập một phòng khám độc lập tại KCN-KCX. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo HEPZA, lâu nay vấn đề sức khỏe của công nhân chưa được quan tâm đáng kể. Đáng nói, trong một vài tình huống như ngộ độc tập thể, dịch bệnh vẫn chưa cung ứng đủ thuốc kịp thời. Đã nhiều năm phụ trách phòng y tế của một doanh nghiệp Đài Loan tại KCX Linh Trung (Q.Thủ Đức), một bác sĩ (đề nghị giấu tên) không khỏi băn khoăn vì kinh phí doanh nghiệp bỏ ra để mua thuốc phục vụ công nhân rất ít, chỉ lèo tèo vài loại thuốc bình thường. Trong khi đó, do phòng khám, phòng y tế của doanh nghiệp quá nhỏ nên các doanh nghiệp dược cũng ngán ngại cung ứng bởi doanh thu không cao, lại tốn kém chi phí. “Nói chung, có thuốc gì xài thuốc đó. Công ty có cấp tiền thì đi mua nhưng cũng chỉ tập trung vào các loại thuốc thiết yếu. Đôi khi thụ động, mua thuốc trôi nổi”, một dược sĩ tại KCN Linh Trung cho biết.
Theo Sở Y tế TPHCM, qua nghiên cứu cho thấy công nhân tại các KCN-KCX phần lớn là dân nhập cư, có cường độ làm việc cao, môi trường độc hại nhưng điều kiện ăn ở chưa đảm bảo, dễ lây dịch bệnh. Do đó, Sở Y tế TPHCM đã chủ trì đề án chăm sóc sức khỏe cho công nhân với mục đích có biện pháp phòng bệnh và hỗ trợ y tế tại chỗ cho công nhân. Đặc biệt dự phòng tình trạng ngộ độc tập thể và dịch bệnh. Trong đó, chú trọng nguồn dự trữ và cung ứng thuốc kịp thời là rất cần thiết.
Rào cản “niềm tin”
Theo dược sĩ Trần Đình Khoa, Giám đốc kinh doanh Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco), hiện đã có 27 phòng khám và phòng y tế tại các KCN-KCX được Sapharco cung ứng thuốc. Tuy nhiên, lâu nay lượng thuốc cung ứng không chủ động mà cứ theo nhu cầu nhỏ giọt của các cơ sở y tế đó. “Doanh thu không cao nhưng công ty vẫn duy trì phục vụ. Hưởng ứng cuộc vận động ưu tiên dùng thuốc Việt, công ty sẽ chuyển qua chủ động cung ứng thuốc cho các phòng khám, phòng y tế với chất lượng tốt nhất, giá cả ổn định”, DS Khoa nói. Cùng với Sapharco, các công ty dược trong nước và liên doanh sản xuất khác cũng tham gia vận động đưa thuốc Việt chăm lo sức khỏe công nhân nói riêng và cộng đồng nói chung, phải kể đến như Savipharm, Fresenius Kabi Bidiphar, Ampharco…
Tuy nhiên, hiện thách thức lớn cho cuộc vận động trên là ý thức sử dụng thuốc của người bệnh và trên hết là bác sĩ kê toa sính ngoại. “Phần lớn thuốc được bán qua kê toa của bác sĩ. Nếu bác sĩ cứ kê thuốc ngoại thì làm sao kích cầu được thuốc nội”, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM băn khoăn. Theo bà, lâu nay vẫn cổ động dùng thuốc Việt nhưng chưa… thấm, nay phải làm mạnh hơn. Sắp tới, Sở Y tế TPHCM sẽ tổ chức các buổi tọa đàm, tham quan nhà máy sản xuất thuốc nội cho bác sĩ điều trị để củng cố lòng tin vào thuốc nội. “TPHCM có 20 nhà máy đều đạt chuẩn tốt, vừa mới xây dựng, còn tốt hơn một số nhà máy Ấn Độ nhiều. Cớ gì cùng loại thuốc chữa cảm cúm lại thích dùng thuốc Ấn Độ, trong khi thuốc nội vừa chất lượng vừa rẻ”, PGS Phạm Khánh Phong Lan bức xúc. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp dược phẩm trong nước cũng thừa nhận hiện rất khó xoay chuyển ý thức của các bác sĩ điều trị. Về vấn đề này, trong một hội thảo gần đây, PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược phẩm, cho rằng các doanh nghiệp dược cần phải chứng minh thuốc sản xuất trong nước tương đương về chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là tương đương về mặt sinh học cũng như tác dụng điều trị so với thuốc ngoại nhập. Có vậy, bác sĩ mới tin mà kê đơn!
Dù rằng niềm tin là quan trọng nhưng PGS Phạm Khánh Phong Lan vẫn kiến nghị Bộ Y tế sớm đưa ra các giải pháp đồng bộ khác để kích cầu thuốc Việt như không giới hạn tiếp thị sản phẩm của doanh nghiệp dược trong nước; quy định bác sĩ kê toa tên thuốc thương mại; đầu tư sản xuất các loại thuốc biệt dược; hạn chế nhập khẩu các loại thuốc trong nước sản xuất được; nâng cao chất lượng sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm…
TƯỜNG LÂM