Đưa tin học về miền sông nước

Khi tin học đến trường làng
Đưa tin học về miền sông nước

Mặc dù đường đến trường của những học sinh miền sông nước là hành trình chèo ghe, vượt qua những con đường làng khúc khuỷu ven sông và vượt qua hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn của gia đình, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được một điểm rất chung là từ những miền quê xa xôi nghèo khó ấy, khi chương trình “Tiến bước cùng IT” thật sự được phát huy hết giá trị, sử dụng có hiệu quả cùng với nỗ lực của thầy và trò thì họ hoàn toàn thực hiện được ước mơ về một tương lai tươi sáng, xóa bỏ dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Khi tin học đến trường làng

Đưa tin học về miền sông nước ảnh 1
Học sinh lớp 6A Trường THCS Hưng Hội tập đánh chữ và làm quen với bàn phím.
Ảnh: T. HÙNG

Khởi đầu từ TPHCM, sau gần 10 tiếng đồng hồ ngồi xe, vượt qua nhiều sông và những chặng đường làng quanh co khúc khuỷu, đoàn chúng tôi 13 người (gồm các kỹ sư tin học, cán bộ của Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting và nhà báo) cuối cùng đã đến Trường THCS Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là ngôi trường quá tuềnh toàng, tổng cộng chỉ có 9 phòng học, 38 giáo viên và 578 học sinh (trong đó có đến 65% học sinh là người dân tộc Khmer).

Không chỉ có các em học sinh mà trên 90% giáo viên của trường chưa từng biết đến tin học. Đây là trường có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng bù lại có đội ngũ giáo viên trẻ, ham học hỏi, đưa ra nhiều sáng kiến và thiết tha muốn có một phòng máy tính để dạy môn tin học cho học sinh.

Em Thạch Thị Liên, người Khmer, học sinh lớp 6A, tâm sự với chúng tôi: “Nhà cháu có ba anh em nhưng chỉ có mình cháu đi học. Hàng ngày cha mẹ và hai anh chị cháu phải đi làm thuê để kiếm tiền. Cháu học môn tin học gần một tháng, tập đánh chữ trên máy tính 4 lần và giờ đây cháu đã biết đánh tên mình rồi. Bây giờ có nhiều máy tính ở trường, cháu sẽ siêng năng học tập để mai mốt được làm cô giáo, dạy học cho các em nhỏ…”.

Chia tay các em học sinh Trường THCS Hưng Hội, đoàn chúng tôi tiếp tục hướng về Cà Mau, nơi tận cùng của Tổ quốc. Tại đây chúng tôi đã đến tặng phòng máy tính cho Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển.

Ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết Trường Phan Ngọc Hiển là “cái nôi” đào tạo học sinh có chất lượng hàng đầu của tỉnh nên ban lãnh đạo tỉnh quyết định chọn trường để tiếp nhận phòng máy, nhằm thực hiện việc tin học hóa cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là mô hình thí điểm để từ đó Sở Giáo dục - Đào tạo và các ban ngành địa phương phát triển, nhân rộng mô hình tin học hóa cho xã hội.

“Thực tế cho thấy, việc trang bị một phòng máy đồng bộ và hiện đại như: nối mạng ADSL, máy chiếu, máy in… thì tình trạng dạy và “học chay” môn tin học sẽ dần được xóa bỏ. Máy tính đã thật sự về trường, học sinh giờ đây sẽ có nhiều buổi thực tập, thao tác trên máy, tìm kiếm thông tin bổ ích cho nhiều môn học”- ông Lê Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh của trường, vui vẻ kể.

Tại Trường THPT Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) chúng tôi cũng chứng kiến tình trạng “học chay” tin học của hầu hết học sinh nơi đây. Mặc dù năm 1997, trường có trang bị phòng máy tính nhưng máy móc quá cũ kỹ, không được nối mạng nên phải “trùm mền”, học sinh học tin học nhưng chẳng được thực hành trên máy.

“Chúng em học môn tin học từ năm lớp 10 nhưng chỉ là lý thuyết, không có thực hành nên thực tế chúng em cũng chẳng biết gì, ngay cả việc đánh tên mình trên máy tính tụi em cũng chẳng biết” – một học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Thuận thổ lộ.

Điều khiến chúng tôi xúc động là đa số các em học sinh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long khi đến trường phải ngồi học trên những chiếc bàn ọp ẹp, bục giảng bằng gỗ, nền thì ẩm ướt… nên tin học xem ra quá lạ lẫm với các em. Chính những hình ảnh này đã xua tan bao mệt nhọc của mỗi người chúng tôi trong chuyến đi này, khi mà chúng tôi đã phải thức thâu đêm để cài đặt một số chương trình phần mềm cho phòng máy trước khi bàn giao cho các trường vào sáng hôm sau…

Xóa khoảng cách “vùng sâu vùng xa”
Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình “Đưa tin học về miền sông nước” của chúng tôi là Trường THPT Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Tại đây, thay mặt 19 tỉnh, thành phía Nam, bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Cần Thơ cho rằng, việc được tiếp nhận, đưa vào sử dụng phòng máy tính đồng bộ và có hệ thống do Quỹ Lawrence S.Ting tài trợ là niềm mong muốn lâu nay của rất nhiều tỉnh, thành nói chung và đội ngũ giáo viên, học sinh nói riêng.

Để đáp lại những đóng góp có giá trị thiết thực này, đa số các địa phương đều đưa ra nhiều sáng kiến và kế hoạch triển khai nhằm sử dụng phòng máy một cách có hiệu quả.

Trả lời câu hỏi “Trong những năm gần đây, nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin về nông thôn như: phổ cập tin học, đưa Internet về vùng sâu vùng xa, bán máy tính giá rẻ cho thanh niên, nông dân điện tử… đã được triển khai song kết quả còn khá khiêm tốn và cũng chỉ dừng lại ở mức giới thiệu về lý thuyết suông. Vậy thì chương trình “Tiến bước cùng IT” có gì khác so với những chương trình nêu trên?”, ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ Lawrence S.Ting, cho biết khi quỹ quyết định tài trợ phòng máy tính cho các trường học là quỹ đã chú trọng đến tính hiệu quả của chương trình.

“Bởi vì nếu họ sử dụng có hiệu quả thì chính họ sẽ là người trực tiếp đảm nhận vai trò phổ cập tin học - Internet một cách nhanh chóng và tốt nhất cho cộng đồng” - ông Dưỡng nói. Đúng vậy, một khi làm tốt điều này, thì chúng ta sẽ xóa được khái niệm “vùng sâu-vùng xa”. Đây là khái niệm chỉ áp dụng trong không gian địa lý chứ trong thông tin thì hoàn toàn không có.

Với mong muốn góp một phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, quỹ hy vọng các sở, ngành giáo dục địa phương sẽ phát huy tốt những giá trị của phòng máy để từ đó nhân rộng, phổ biến, giúp cho cộng đồng tiếp cận tin học - Internet để họ nắm bắt thông tin ứng dụng trong lao động sản xuất.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Chủ tịch Ủy ban điều hành quỹ - cũng cho rằng: “Chúng ta phải biết rằng xóa đói cho người nghèo có nhiều cách nhưng cái quan trọng nhất là phải xóa đói bằng thông tin”.

Do đó, việc đầu tư, nâng cao chất lượng cho giáo dục là vấn đề cốt lõi để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xóa đói giảm nghèo. Thực vậy, cái nghèo khó về vật chất trước mắt của người dân miền sông nước không đáng sợ bằng cái nghèo về tri thức.

Bởi trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nếu người nông dân nắm bắt được thông tin thì họ sẽ áp dụng tốt cho sản xuất như: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thông tin giá cả thị trường, các chính sách, pháp luật... Bằng không, họ sẽ bị tụt hậu và khó thoát khỏi sự đeo bám của cái nghèo.

Có thể nói, khi tận mắt chứng kiến các em học sinh người dân tộc thiểu số ngồi đánh chữ một cách say mê, thích thú với những chiếc máy tính, ta mới cảm nhận được phần nào ý nghĩa của chương trình “Tiến bước cùng IT” mà Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting đang thực hiện.

Chương trình “Tiến bước cùng IT” do Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting (được thành lập theo quyết định của UBND TPHCM ngày 25-11-2005) và Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng phối hợp thực hiện. Quỹ gồm có hai giai đoạn. Giai đoạn 1, quỹ sẽ trang bị cho 64 trường học thuộc 64 tỉnh-thành trên cả nước, mỗi tỉnh- thành một phòng máy tính gồm hơn 20 máy tính cá nhân, một máy chủ, một máy chiếu, một máy in, một phần mềm Microsoft có bản quyền… Việc khảo sát thiết kế, lắp đặt, bảo hành sẽ do một số công ty chuyên nghiệp thực hiện (mỗi phòng máy tính được đầu tư khoảng 300 triệu đồng). Giai đoạn 2, quỹ tập trung vào việc hỗ trợ huấn luyện và đào tạo con người, cung cấp các phần mềm hỗ trợ nhưng với điều kiện các trường phải thực hiện tốt giai đoạn 1.

THANH HÙNG-THU ANH

Tin cùng chuyên mục