Trả lời phỏng vấn tuần báo Bild am Sonntag của Đức, Thủ tướng nước này Angela Merkel cho biết Berlin có thể sẽ xóa một phần nợ cho Hy Lạp trong vài năm tới. Tuyên bố của bà Merkel được cho là gây sốc bởi luôn có nhiều ý kiến tại Đức phản đối việc các quốc gia phương Bắc giàu có hơn phải trợ cấp cho các quốc gia yếu kém hơn ở phương Nam.
Cụm từ nhạy cảm
Lần đầu tiên, Thủ tướng Đức cho biết Berlin sẽ cân nhắc về chuyện xóa một phần nợ cho Athens từ năm 2014 nếu tình hình tài chính nước này được cải thiện. “Xóa nợ” là một cụm từ nhạy cảm ở Đức bởi rất nhiều người dân nước này không muốn tiền thuế của họ dùng để chi trả cho những quốc gia chi tiêu vung tay quá trán. Hơn nữa, tuyên bố của bà Merkel được cho là bất ngờ bởi lâu nay, Thủ tướng Đức luôn kêu gọi mạnh tay với các quốc gia nợ nần. Phe đối lập tại Đức cáo buộc rằng Thủ tướng Merkel có động thái trên là bởi cuộc bầu cử liên bang dự kiến diễn ra vào ngày 22-9-2013. Bà Merkel đã bác bỏ cáo buộc này.
Theo Reuters, trước bài trả lời phỏng vấn của bà Merkel, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble hồi giữa tháng 11 đã từng ngụ ý về chuyện cắt giảm một phần khoản nợ cho Hy Lạp để giúp nước này có thể trụ được trong cơn bão khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Tuy nhiên, 24 giờ sau khi đưa ra ý tưởng trên, ông Schaeuble đã rút lại ý kiến. Ông Schaeuble cho biết hình thức xóa nợ cho Athens là không hợp pháp vì sẽ vi phạm điều khoản “không viện trợ” trong hiệp ước của EU và luật ngân sách của Đức. Cũng theo ông Schaeuble, xóa nợ cũng sẽ là một sự “khích lệ sai lầm” bởi làm giảm sức ép lên Chính phủ Athens về tái cấu trúc nền kinh tế.
Cân nhắc kỹ lưỡng
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cùng một số nhà hoạch định chính sách cấp cao của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và rất nhiều nhà kinh tế cho rằng việc xóa một phần nợ cho Hy Lạp là điều không thể tránh khỏi bởi tỷ lệ nợ của nước này vẫn tiếp tục tăng, bất chấp việc các chủ nợ tư nhân đã xóa một khoản nợ lớn cho nước này hồi 2011. Theo một bản phân tích chưa được công bố, vốn được chuẩn bị cho các bộ trưởng tài chính, khoản nợ của Hy Lạp sẽ ở mức 190% GDP vào năm 2013 và sẽ giảm xuống còn 144% vào năm 2020, song vẫn cao hơn rất nhiều mục tiêu 120% mà IMF và các nhà lãnh đạo châu Âu đã đặt ra.
Trong khi đó, Tổng giám đốc IMF C.Lagarde nói rằng bà muốn có một “giải pháp thực tế, chứ không phải một giải pháp chóng vánh” đối với vấn đề nợ của Hy Lạp, và bà đã tạm hoãn gói cho vay khẩn cấp tiếp theo, trị giá 31 tỷ EUR, đối với Athens nhằm thúc giục châu Âu phải đưa ra một giải pháp dài hơi. Bà phản đối việc kéo dài thời hạn đạt mục tiêu (trong việc giảm nợ) thêm 2 năm, tới năm 2022.
Ý tưởng xóa một phần nợ cho Hy Lạp có thể sẽ là nhân tố làm thay đổi cuộc khủng hoảng tiền tệ của eurozone kể từ khi manh nha khả năng các nước sẽ phải chia sẻ thua lỗ nhằm giúp Hy Lạp có thể sống sót được trong dài hạn. Tuy nhiên, mọi động thái xóa nợ có thể sẽ bị Tòa án hiến pháp Đức và Tòa án pháp lý châu Âu phản đối. Trong khi đó, theo một số chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng việc xóa nợ cho Hy Lạp bởi sẽ làm nảy sinh những yêu cầu đòi xóa nợ tương tự từ các quốc gia như Bồ Đào Nha và Ireland, những nước cũng đang phải áp dụng chương trình cứu trợ tài chính.
Mặc dù vậy, Jens Weidmann, Giám đốc Ngân hàng trung ương Đức, người công khai đề xuất xóa một phần nợ công cho Hy Lạp, cho rằng việc xóa nợ chỉ mang ý nghĩa như một “phần thưởng” cho việc hoàn thành các cải cách kinh tế và sẽ giúp Athens có thể tái gia nhập thị trường vốn.
Đỗ Cao (tổng hợp)