Đức Lập - Miền đất cà phê

Thay da, đổi thịt
Đức Lập - Miền đất cà phê

Vào ngày 9-3-1975, quân dân ta đã nổ súng tiến công, giải phóng quận lỵ Đức Lập (tên gọi trước năm 1975 của huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Sau 39 năm giải phóng, vùng đất này đang trở thành miền đất cà phê của tỉnh Đắk Nông.

Người dân Đắk Mil thu hoạch cà phê. Ảnh: CÔNG HOAN

Người dân Đắk Mil thu hoạch cà phê. Ảnh: CÔNG HOAN

Thay da, đổi thịt

Trong chiến tranh, căn cứ quân sự Đồi 722 (ở thôn Thổ Hoàng, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil) được Mỹ - ngụy xem là cánh cửa sắt bảo vệ quận lỵ Đức Lập và cơ sở phòng thủ phía Nam Tây Nguyên. Từ năm 1968 - 1975, nơi đây xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa ta và địch. Gần chục năm sau ngày giải phóng, Đồi 722 vẫn như một “vùng đất chết” bởi lớp lớp mìn bom còn sót lại.

Về thôn Thổ Hoàng hôm nay, đứng trên điểm cao Đồi 722 nhìn xuống, hẳn ai cũng ngỡ ngàng trước những vườn cây ăn trái trĩu quả, những đồi cà phê xanh tốt ngút ngàn. Ẩn hiện trong vườn cây là những ngôi biệt thự, những nhà xây kiểu Thái đắt tiền. Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ ngôi biệt thự nằm sát Khu Di tích lịch sử Đồi 722, kể: Cuối những năm 1980, mấy chục hộ dân Thổ Hoàng (di cư từ Hà Tĩnh đến ở quanh Đồi 722 - PV) cày đất lên chỉ thấy mảnh đạn bom và cả xương cốt. Vậy mà giờ đây, Thổ Hoàng đã thành một trong số thôn giàu nhất của xã Đắk Sắk với gần 70% hộ khá, giàu. Từ khi Đồi 722 được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2012, Thổ Hoàng càng được quan tâm đầu tư phát triển.

Nằm sát thị trấn Đắk Mil, xã Đức Minh năm xưa là vùng đệm chiến thuật của quận lỵ Đức Lập, từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nhưng với tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường trong kháng chiến và xây dựng quê hương mới, người dân xã Đức Minh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, hiện là xã dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Nông. Ông Bùi Đình Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh, cho biết: Xã đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cũng đứng đầu về thu nhập bình quân đầu người và xây dựng khu dân cư văn hóa… “Nội lực của dân mang tính quyết định đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhân dân đã tham gia rất tích cực vào các chương trình xây trường học, làm đường giao thông, chỉnh trang nhà cửa, phát triển sản xuất… Đặc biệt, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng đóng góp rất lớn trong xây dựng nông thôn mới”, ông Hiển chia sẻ.

Xây dựng thương hiệu cà phê

Trước năm 1975, cà phê Đức Lập đã nổi tiếng và hiện giờ Đắk Mil vẫn là vùng cà phê quy mô và chất lượng nhất của tỉnh Đắk Nông, với diện tích hơn 22.000ha (chiếm 1/5 diện tích cà phê của tỉnh), sản lượng bình quân 45.000 tấn/vụ (chiếm gần 1/3 sản lượng của tỉnh). Cùng với xây dựng nông thôn mới, huyện Đắk Mil cũng đang quyết tâm xây dựng Đức Lập trở thành thương hiệu cà phê nổi tiếng.

Năm 2006, tỉnh Đắk Nông đã đưa thương hiệu cà phê Đức Lập vào dự án xúc tiến hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu nông sản của tỉnh. Nhưng trước đó, vào năm 2004, HTX Minh An (ở xã Đức Minh) đã xây dựng nhà máy sản xuất cà phê bột xuất khẩu với công suất 3.000 tấn/năm và nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền 2 nhãn hiệu “Cà phê Đức Lập - Đắk Mil”, “Cà phê Minh An - Đức Lập”. Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận vào năm 2006, HTX đã phát triển thương hiệu này ra nước ngoài và được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cà phê Đức Lập của tỉnh phải tạm dừng. Ông Hoàng Công Thắng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, cho biết: “Theo quy hoạch, thị trấn Đắk Mil sẽ trở thành thị xã Đức Lập vào năm 2016. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cà phê Đức Lập là việc làm cần thiết để phát huy thế mạnh nông sản của huyện. Sắp tới, huyện sẽ đề nghị tỉnh mua lại chữ “Đức Lập” của HTX Minh An để xây dựng thương hiệu cà phê Đức Lập của địa phương”.

Ngoài thương hiệu cà phê Đức Lập, huyện còn có 2 thương hiệu cà phê nổi tiếng khác là Hoàng Gia Phú và Đắk Tín. Sản phẩm cà phê Hoàng Gia Phú (Công ty Hoàng Phát) và cà phê Đắk Tín (Công ty Đắk Tín) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu. Mỗi năm, công ty cũng chế biến được khoảng 50 tấn cà phê bột tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong nước.

Sau nhiều năm kinh doanh tại địa phương, Công ty Đắk Tín đã xây dựng thêm nhà máy chế biến cà phê bột và cà phê hòa tan ở TPHCM. Công ty này bắt đầu sản xuất cà phê bột từ năm 2007 với sản lượng chế biến khoảng 48 tấn/năm. Đến năm 2012, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cà phê hòa tan. Ông Hoàng Công Thắng cho biết huyện đang kêu gọi Công ty CP Tập đoàn Intimex TPHCM đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê bột hiện đại để nâng giá trị sản phẩm của địa phương và mở rộng thị trường tiêu thụ.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục