Dùng chung bệnh án điện tử - Những “viên gạch” đầu tiên

Giảm trên 70% thời gian chờ
Dùng chung bệnh án điện tử - Những “viên gạch” đầu tiên

Bệnh án điện tử thuận tiện cho bệnh viện lẫn bệnh nhân và cũng cho thấy xu hướng ứng dụng thành tựu CNTT vào các lĩnh vực đời sống xã hội. Thế nhưng, việc mỗi người chỉ cần “xuất trình” bằng ID hay mã số khi chẳng may phải nhập viện, khám bệnh ở bất cứ bệnh viện nào vẫn là điều vẫn còn xa xăm, dù cả nước có trên dưới 100 bệnh viện lớn nhỏ đã số hóa bệnh án bệnh nhân nhờ ứng dụng hệ thống quản lý CNTT trong bệnh viện.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân được bác sĩ khám và nhập liệu thông tin vào hệ thống.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân được bác sĩ khám và nhập liệu thông tin vào hệ thống.

Giảm trên 70% thời gian chờ

Có thể nói hầu hết các bệnh viện hiện nay đều đã ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện. Hai hệ thống quản lý bệnh viện được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay tại các bệnh viện là FPT.eHospital và SP Medisoft. Thực tế ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện đã mang lại những lợi ích thiết thực trong công tác này.

“Nếu bệnh nhân đến khám lần thứ hai tại bệnh viện, chúng tôi gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì thì hệ thống cũng cảnh báo cho bác sĩ biết ngay”, Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Sài Gòn, bác sĩ Hoàng Lương cho biết.

Ứng dụng hệ thống CNTT quản lý bệnh viện đã làm thay đổi cách phục vụ theo hướng nhanh, gọn và tiết kiệm thời gian và thậm chí tiền bạc của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện An Sinh, người đến khám, chữa bệnh chỉ cần khai báo thông tin hành chánh một lần. Khi đến những khoa, phòng khác nhau, bệnh nhân không cần phải khai báo lại vì các thông tin của bệnh nhân đã được quản lý thông suốt giữa các khoa phòng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong của Bệnh viện An Sinh cho rằng từ khi ứng dụng CNTT trong quy trình khám, chữa bệnh, bệnh viện đã giảm trên 70% thời gian chờ đợi của bệnh nhân, đây là thành quả lớn trong việc nâng cao chất lượng phục vụ. Đó là chưa nói đến hiệu quả chuyên môn cũng được cải thiện, như các bác sĩ có thể hội chẩn trực tiếp trên mạng và đưa ra kết quả, hướng điều trị nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Cách thức phục vụ thay đổi rõ nhất tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trước đây toàn bộ hồ sơ của bệnh nhân như thẻ BHYT, CMND... khi khám sẽ phải lưu lại sau khi khám xong sẽ trả lại bệnh nhân. Nhưng khi ứng dụng hệ thống, không cần lưu giấy tờ bệnh nhân vì các thông tin đã được lưu, có thể xuất ra để đối chiếu bất cứ ở bộ phận nào.

Thanh toán viện phí cũng nhanh và chính xác hơn. Các chi phí của bệnh nhân nội trú khi phát sinh sẽ được cập nhật ngay vào hệ thống, có thể biết chính xác chi tiết số tiền bệnh nhân đã sử dụng ở bất kỳ thời điểm nào. Khi bệnh nhân xuất viện, nếu như trước đây phải chờ bộ phận viện phí nhập tổng hợp từ các chứng từ thì nay mọi chi phí sẽ được hiển thị ngay trên bảng kê thanh toán ra viện.

Vẫn phải lưu hồ sơ giấy

Hiệu quả ban đầu cho thấy hệ thống CNTT quản lý bệnh viện đã đóng vai trò đắc lực trong quản lý bệnh viện, từ đây đã dần hình thành nguồn cơ sở dữ liệu y tế của bệnh nhân, là những “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho cả một hệ thống bệnh án điện tử trong tương lai. Nhưng song song với hiệu quả, khi các bệnh viện ứng dụng hệ thống CNTT quản lý bệnh viện, để xây dựng được hệ thống bệnh án điện tử dùng chung giữa các bệnh viện thì hàng loạt vấn đề khác được đặt ra.

Giám đốc BV Tai - Mũi - Họng Sài Gòn, bác sĩ Hoàng Lương chia sẻ: “Từ ngày đầu thành lập bệnh viện, chúng tôi đã ứng dụng hệ thống CNTT quản lý bệnh viện, điều này có nghĩa toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đã được số hóa. Cần tìm thông tin bệnh nhân, chỉ vài thao tác trên máy tính là có ngay và độ chính xác gần như tuyệt đối, thế nhưng cũng không thoát khỏi cảnh phải lưu trữ thêm một bộ hồ sơ giấy của bệnh nhân, việc này vừa tốn thời gian, vừa thêm kinh phí”.

BS Hoàng Lương thẳng thắn: “Tôi đề nghị Bộ Y tế nên cho cơ chế là đã có hồ sơ bệnh án điện tử thì khỏi cần hồ sơ bệnh án bằng giấy”.

Thực tế vừa thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử vừa phải làm thêm hồ sơ giấy cũng là một vấn đề mà phần nào đó đã gây phiền phức cho các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết: “Hệ thống lưu trữ và truy xuất hồ sơ bệnh án khá chính xác và cực kỳ nhanh, nó mang lại sự tiện lợi trong mọi công việc. Thế nhưng chúng tôi cũng phải lưu trữ thêm mỗi bệnh nhân một bộ hồ sơ giấy… nhiều khi khiến việc tiếp nhận bệnh nhân tốn thêm thời gian”.

Việc lưu trữ hồ sơ giấy của mỗi bệnh nhân là quy định của Bộ Y tế, phải lưu trữ 10 năm nên tốn kinh phí, kho lưu trữ và truy tìm hồ sơ cũng mất khá nhiều thời gian. Phải thực hiện hồ sơ giấy và số hóa hồ sơ song song nhau là một trong những lý do vì sao không ít bệnh viện lớn đến nay vẫn còn quản lý theo kiểu thủ công hoặc chưa thể triển khai được hệ thống CNTT tổng thể.

Chờ liên thông dữ liệu

Mỗi bệnh viện có riêng hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đã được số hóa và thực trạng hiện nay, bệnh án điện tử bệnh nhân của bệnh viện nào thì bệnh viện ấy quản lý và khai thác. Nên vấn đề đặt ra, đến bao giờ các bệnh viện mới đưa bệnh án điện tử vào một hệ thống để có thể cùng khai thác “kho” bệnh án điện tử chung?

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nếu bệnh nhân cần toàn bộ bệnh án điện tử để đối chiếu điều trị tại các bệnh viện khác thì bệnh viện sẵn sàng cung cấp. Song song đó, nếu bệnh nhân cầm bệnh án điện tử của các bệnh viện khác (trong đó có những xét nghiệm, chụp X-quang....) thì Bệnh viện Gia Định cũng sẵn sàng sử dụng những kết quả này. Tuy nhiên, đó chỉ là những hình thức chia sẻ dữ liệu trước mắt, điều cần là phải có một hệ thống chung (của nhà nước, hoặc Bộ Y tế) để các bệnh viện dùng chung bệnh án mới là vấn đề lớn.

“Để thực hiện việc này, điểm khó nhất chúng tôi nghĩ là chuẩn bị được hạ tầng lưu trữ, kết nối đồng bộ và đưa ra được chuẩn chung dữ liệu để các đơn vị kết xuất dữ liệu theo chuẩn này để đưa lên hệ thống chung”, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng cho biết.

BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM lại cho rằng, việc thừa nhận các kết quả từ bệnh án điện tử của các bệnh viện khác sẽ được chấp nhận trong trường hợp Bộ Y tế công nhận các đơn vị có hồ sơ chuyển đến đạt chuẩn về bệnh án điện tử và cho phép sử dụng bệnh án điện tử vào công tác điều trị bệnh nhân. Còn hệ thống dữ liệu chung chứa tất cả bệnh án điện tử, cần có tính pháp lý cho hệ thống này... và các chương trình quản lý bệnh viện phải có chuẩn chung mới có thể liên thông dữ liệu.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục