Đừng coi tiền lễ là nguồn thu

Mùa lễ hội 2015 đang đến rất gần, câu chuyện tiền lẻ lại tiếp tục nóng cùng thói quen “rải” tiền lẻ tràn ngập, đặc biệt là các chốn linh thiêng như đình, đền, chùa…

Mùa lễ hội 2015 đang đến rất gần, câu chuyện tiền lẻ lại tiếp tục nóng cùng thói quen “rải” tiền lẻ tràn ngập, đặc biệt là các chốn linh thiêng như đình, đền, chùa…

Với mong muốn thay đổi hành vi này, Bộ VH-TT-DL cũng đã đề ra rất nhiều giải pháp quản lý, trong đó yêu cầu rà soát, không để các hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch tồn tại trong khuôn viên di tích và lễ hội. Bên cạnh đó cũng vận động, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh, sử dụng đồng tiền hợp lý, có văn hóa. Ngân hàng Nhà nước cũng không in và đưa vào lưu thông các loại tiền mới có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống. Cơ quan này đã gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý việc sử dụng, lưu thông đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm khắc nếu bắt gặp hành vi đổi tiền lẻ với mức phạt 20 - 40 triệu đồng. Chủ trương đã có, rất rõ ràng. Vấn đề ở đây lại ở việc tuyên truyền và thực hiện.

Nhiều năm trước, người đi lễ thường phải chứng kiến vấn nạn hương khói mịt mù đến ngạt thở trong di tích vào mùa lễ hội. Người đi lễ ai cũng cầm một bó hương lớn nghi ngút khói rồi cắm khắp nơi, không chỉ trong bát hương lớn ngoài sân, vào các bát hương trên bàn thờ trong các gian thờ, nội cung thậm chí đến cả gốc cây, khe cửa cũng ngập tràn hương khói. Nhưng chỉ một vài năm, chính các nhà chùa, ban quản lý di tích nhận thấy được mối nguy hại của việc thắp hương bừa bãi, vô tội vạ ấy nên đã tự đưa ra nhiều biện pháp khác nhau, như dùng tôn quây kín bát hương chỉ để một chỗ cắm hương vòng; viết bảng thông báo và trực tiếp cử người nhắc nhở mỗi người chỉ thắp một nén hương, hoặc: nhà chùa đã thắp hương vòng, quý phật tử không cần thắp hương… đã dần thay đổi thói quen của chính những người đi lễ. Nhiều người cho rằng dẹp vấn nạn sử dụng tiền lẻ không đúng cũng giống như làm thay đổi thói quen thắp hương bừa bãi trước đây, song có lẽ điều đó chỉ đúng một phần. Với hương khói tác hại trực tiếp tới di tích, tới các tượng thờ, hoành phi, câu đối…, nguy cơ về hỏa hoạn là có thể nhìn thấy rõ ràng.

Trong khi đó, tiền của người dân đi lễ lâu nay dù rằng phản cảm nhưng vẫn được ngầm hiểu là nguồn thu tài chính của các di tích lễ hội và tìm cách để người dân bỏ tiền lễ, cung tiến ngày một nhiều hơn. Thực tế, qua thống kê sơ bộ, có cơ sở thờ tự tín ngưỡng thu được số tiền “khổng lồ” trên dưới 100 tỷ đồng mỗi năm từ tiền công đức, “giọt dầu”. Vì thế nếu chỉ giải quyết vấn nạn sử dụng tiền lẻ không đúng bằng các văn bản hành chính đơn thuần mà không có được sự thống nhất từ chính các cơ sở tín ngưỡng thì liệu có thu được kết quả như mong muốn? Cũng cần nói thêm, đây cũng không phải là lần đầu tiên, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những trường hợp vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực.

Muốn giải quyết vấn nạn này cần phải có thêm các biện pháp được thực thi từ chính các di tích, danh thắng trong mùa lễ hội, do cán bộ văn hóa, ban quản lý di tích, danh thắng cùng với những người trực tiếp trông nom di tích, danh thắng thực hiện. Và sâu xa hơn, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự tại di tích, danh thắng, lễ hội thì ngay bản thân những người trực tiếp quản lý di tích không coi đó nguồn thu. Chỉ khi đó, mới có thể hy vọng hành vi gài, thả tiền lẻ bừa bãi sẽ không còn là vấn đề nóng mỗi mùa lễ hội.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục