Đừng để các em cô đơn!

Trên 90% số học sinh có vướng mắc tâm lý, đó là con số không mấy vui được đưa ra tại hội thảo “Công tác tổ chức hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường” vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội.

Trên 90% số học sinh có vướng mắc tâm lý, đó là con số không mấy vui được đưa ra tại hội thảo “Công tác tổ chức hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường” vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây do Bộ GD-ĐT tiến hành ở một số trường phổ thông và đại học tại Hà Nội, Hải Dương cho thấy có đến 93,57% số HS-SV được hỏi gặp phải những khó khăn vướng mắc cần chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày. Tỷ lệ này ở bậc phổ thông là 95,33% và bậc đại học là 85,92%. Đặc biệt, ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là 80,17%.

Đó là kết quả của một cuộc khảo sát. Còn thời gian gần đây, thông qua báo chí, dư luận đã bàng hoàng biết bao trước những vụ tự tử của học sinh. Ngày 26-12-2014 tại Nghệ An, 2 học sinh lớp 10 đã thắt cổ tự tử vì bị gia đình ngăn cấm chuyện tình cảm. Đêm 13-12-2014 tại Tiền Giang, ​nam sinh lớp 12 nhảy sông tự vẫn vì bạn gái chia tay. Ngày 11-12-2014, 2 nữ sinh THPT cùng nhau treo cổ tự tử tại phòng trọ ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Gần đây nhất là vụ 2 sinh viên Học viện Nông nghiệp ôm nhau tự tử bằng cách chích điện... Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, tự tử là nguyên nhân xếp thứ ba trong các nguyên nhân khiến trẻ từ 13 đến 19 tuổi tử vong. Đó thực sự là điều rất thương tâm và khiến bất cứ ai đều cảm thấy đau lòng. Tình cảm rối ren, áp lực học hành, gia đình mâu thuẫn… là những nguyên nhân dẫn đến những hành xử tiêu cực của các em. Thực tế, như chia sẻ của Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Vũ Văn Trà, có những học sinh chỉ bị thầy cô giáo mắng nhưng cũng dẫn đến trầm cảm, định tự vẫn và tự vẫn.

Rõ ràng, ở độ tuổi học sinh, sinh viên, khi tâm sinh lý các em chưa phát triển hoàn thiện, những áp lực tâm lý với học sinh là rất lớn và các em cần có người thấu hiểu tâm lý để giúp các em biết cách giải quyết các vấn đề của mình. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập trung tâm tư vấn tâm lý cho sinh viên từ năm 2008, mỗi tháng trung tâm nhận được đề nghị tham vấn của trên 500 sinh viên, cho thấy nhu cầu chia sẻ của sinh viên là rất lớn. Đó là một nhu cầu thiết thân của các em.

Dĩ nhiên, để giúp các em, gia đình phải là chỗ dựa đầu tiên. Cha mẹ luôn phải là người bạn, giải thích, phân tích và động viên để các em vượt qua khủng hoảng. Được cha mẹ thông cảm, lắng nghe, tránh buộc tội hay phán xét là điều các em mong muốn nhất. Nhưng cùng với gia đình, khi đến trường, các em học sinh, sinh viên cũng rất cần có những người bạn lớn của mình, đó chính là thầy cô giáo. Có 82,31% học sinh được hỏi đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân. Cũng theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, đa phần HS-SV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Theo các em, khi chia sẻ với cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, các em đỡ e ngại hơn.

Đã đến lúc, vấn đề tư vấn tâm lý cho các em học sinh, sinh viên phải được đặc biệt chú trọng ở cả gia đình và nhà trường, để các em không thấy cô đơn khi phải tự mình giải quyết các vấn đề của mình, từ đó dẫn đến những hệ quả đau lòng...

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục