Đừng để hoa hậu thành “món hàng”

Không chỉ bội thực về số lượng, loạn danh xưng, một số cuộc thi sắc đẹp trong nước gần đây còn khiến khán giả ngao ngán về chất lượng thí sinh; lùm xùm tranh giành tên gọi; lạm dụng, lập lờ danh hiệu; tổ chức thi chui…

Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi còn tự xưng tầm quốc gia đến… vũ trụ càng khiến các cuộc thi hoa hậu vốn được kỳ vọng góp thêm vẻ đẹp cho cuộc sống, biến thành mớ hỗn tạp, phản cảm.

Mới đây, tại lễ công bố cuộc thi Miss Earth Việt Nam 2023, chủ tịch cuộc thi cũng là người “một thời nhan sắc” Trương Ngọc Ánh cho biết, không thể dùng tên tiếng Việt “Hoa hậu Trái đất Việt Nam” vì đã có đơn vị khác đăng ký bảo hộ độc quyền.

Trước đó, cũng liên tục có nhiều vụ trùng tên, giành giật, tranh chấp bản quyền bát nháo giữa các đơn vị tổ chức thi hoa hậu. Có thể kể đến như cuộc chiến giành tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng; tên gọi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam giữa Công ty CP Hoàn vũ Sài Gòn và Tập đoàn JKN Global Group (Thái Lan); tên gọi Cuộc thi Hoa hậu Sinh thái Thiếu niên Việt Nam 2023 giữa Công ty TNHH Giải trí Huyền Diệu - Bellalove và Công ty TNHH Truyền thông Q-Talent; tên gọi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam giữa Công ty Topstar và Công ty Truyền thông URA Việt Nam…

Mấy năm qua, chuyện thi hoa hậu nở rộ như “nấm sau mưa” không hề mới, nhưng gần đây, khi chứng kiến thêm hàng loạt cuộc thi ra mắt, khán giả vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Nhiều cuộc thi mà tên gọi trở thành đề tài bàn luận ồn ào vì chắp vá đủ kiểu, không hiểu danh hiệu đặt ra để làm gì. Như Hoa hậu Doanh nhân biển 2023, Hoa hậu và Nam vương thần tượng Việt Nam; Hoa hậu Hành tinh xanh Việt Nam, Hoa hậu Lụa - di sản Việt Nam, Hoa hậu Ngọc trai Việt Nam… Nhiều cuộc thi rầm rộ mở ra với số lượng giải thưởng nhiều đến mức khó hiểu như Hoa hậu Thiên nhiên Việt Nam 2023, vừa khởi động đã gây chú ý khi ngoài các danh hiệu hoa hậu, á hậu còn có hơn trăm giải phụ cho 63 người đẹp.

Chuyện “khát” danh hiệu cũng khiến một số đơn vị, người đẹp vô tình hay hữu ý lập lờ danh hiệu, tự “hô biến” thành “hoa hậu”. Khán giả từng phản ứng mạnh khi người đẹp Đ.T.N. tự xưng Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam trong khi chỉ là Á hậu 2 Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017; Á hậu P.N. trong một sự kiện được giới thiệu lập lờ Hoa hậu Quốc tế Việt Nam dù chỉ là Á hậu 2 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022; Á hậu K.D. cũng được giới thiệu Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022; người đẹp T.T.H. tự xưng Miss Charm Việt Nam 2023…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộn xộn các cuộc thi hoa hậu như: cơ chế phân quyền cấp phép các cuộc thi nhan sắc cho địa phương theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP bộc lộ một số hạn chế về việc trùng lặp, tranh giành danh hiệu; lợi nhuận cực lớn từ các cuộc thi nên các công ty thi nhau tổ chức; tâm lý háo danh của nhiều cô gái trẻ… Sở VH-TT TPHCM từng thừa nhận “khó quản” các cuộc thi sắc đẹp trên địa bàn. Các vụ xử phạt vì tổ chức thi chui hoặc buộc tạm ngưng một số cuộc thi như Hoa hậu Nhân ái Việt Nam 2023, Đại sứ Hoàn mỹ 2023, Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam… cho thấy các đơn vị tổ chức đang ngày càng “lờn thuốc”.

Công bằng mà nói, việc tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ hay khát khao được công nhận về nhan sắc, tài năng của các cô gái là hoàn toàn chính đáng, việc tổ chức thi hoa hậu nhiều cũng không có gì sai. Nhưng khi sắc đẹp bị biến thành món hàng kinh doanh, các cuộc thi trở nên quá sức phô trương, kệch cỡm… thì ý nghĩa tốt đẹp đã không còn. Đã có nhiều đề xuất về việc cần xây dựng những quy chuẩn nhất định cho các cuộc thi hoa hậu, đảm bảo thực sự tôn vinh vẻ đẹp, tài năng cũng như nhân cách của các thí sinh. Chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn, đưa các cuộc thi hoa hậu về đúng vị trí như là một hoạt động giải trí, góp phần làm đa dạng hóa đời sống tinh thần của người dân cũng như chung tay khuyến khích phát triển con người mới với đầy đủ chân, thiện, mỹ…

Tin cùng chuyên mục