Tái cơ cấu nền kinh tế

Đừng để người lao động tổn thương

Quan tâm lao động nông thôn

Theo chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) khóa XIII, vào ngày 8-6, QH sẽ thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Trong phiên thảo luận tại tổ vừa qua về đề án này, nhiều ĐBQH bày tỏ không hài lòng với nhiều nội dung của đề án. PV Báo SGGP đã trao đổi với bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH về vấn đề này.

Quan tâm lao động nông thôn

- Phóng viên: Thưa bà, nguồn nhân lực, lực lượng lao động hiện hay liệu đã đủ an tâm để bước vào giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế?

Bà TRƯƠNG THỊ MAI: Khi triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế, để bảo đảm 50 triệu lao động của chúng ta có tay nghề, có chất lượng bước vào nền kinh tế thị trường là một thách thức rất lớn, phải nỗ lực, xây dựng kế hoạch rất bài bản.

Theo một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vì chất lượng đào tạo lao động của chúng ta hiện nay không cao nên khi doanh nghiệp (DN) nhận lao động vào phải đào tạo lại, chi phí đào tạo lại chiếm 6% - 7% chi phí sản xuất kinh doanh của họ. Như vậy, đây là một sự lãng phí rất lớn.

- Nhiều người lo ngại một lực lượng lớn lao động có thể bị mất việc nếu không đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu của DN, ngành nghề?

Hiện nay chúng ta có tỷ lệ lao động nông nghiệp khá lớn. Bước vào năm 2020, lao động trong khu vực nông nghiệp của chúng ta sẽ chỉ còn khoảng 20%. Như vậy, có một lực lượng lớn lao động nông nghiệp lên tới hàng chục triệu người sẽ vào khu vực công nghiệp, dịch vụ. Trong một khoảng thời gian ngắn mà hàng triệu lao động nông thôn bước vào khu vực này với trình độ chưa cao, chưa được đào tạo vững bền thì chắc chắn họ sẽ bị tổn thương.

Nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất chính là nhóm bị thâm dụng nhiều, lao động phổ thông. Đình công cũng xuất phát từ nhóm lao động này vì tiền lương thấp. Nếu không có sự chuẩn bị, không có chính sách của nhà nước về đào tạo nghề, về đầu tư cho các yếu tố mang tính chất đời sống tinh thần, văn hóa, các yếu tố bảo đảm cho đời sống của họ thì tôi e ngại, nhóm lao động này sẽ rất dễ bị tổn thương trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Tiến tới thỏa thuận mức lương

- Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phải tái cơ cấu hệ thống thang bảng lương?

Hiện nay còn 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng vẫn nên tồn tại hệ thống thang bảng lương quy định trong Bộ luật Lao động. Ý kiến thứ hai cho rằng, nên giao lại DN để họ quyết định cho hợp lý. Vì hiện nay chúng ta quy định DN phải trình hệ thống thang bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước duyệt nhưng không ai quản lý được, không ai kiểm soát, cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa bao giờ thanh tra, kiểm tra thang bảng lương DN thực hiện thế nào. Tức là tính hiệu quả của thang bảng lương hiện nay trong thực tiễn không cao. Qua quá trình thảo luận, chúng tôi đã chọn giải pháp dung hòa, tức là vẫn còn đăng ký thang bảng lương, cơ quan nhà nước sẽ hướng dẫn việc xây dựng thang bảng lương như thế nào. Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thanh tra, kiểm tra, nơi nào phát hiện sai phạm phải được xử lý nghiêm để thang bảng lương đó có thể đi vào thực tiễn được. Nhưng về lâu dài, tôi cho rằng không nên tồn tại thang bảng lương trong Bộ luật Lao động. Việc đó chủ sử dụng lao động cùng với tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) sẽ thảo luận, bàn bạc để giải quyết thiết thực cho NLĐ. Còn như hiện nay, tôi cũng chưa dám đặt niềm tin là cơ quan quản lý nhà nước sẽ thanh tra, kiểm tra mạnh mẽ đối với vấn đề này.

- Nếu như giao cho DN và NLĐ thỏa thuận thang bảng lương có thiệt cho NLĐ?

Nên giao cho hai bên thỏa thuận thang bảng lương. Còn nhà nước vẫn can thiệp bằng cách công bố mức tiền lương tối thiểu, tức DN không được trả lương thấp hơn lương tối thiểu chung và cũng không được trả thấp hơn lương tối thiểu ngành (lương tối thiểu ngành bao giờ cũng cao hơn lương tối thiểu chung). Cùng với đó, định kỳ nhà nước phải công bố mức lương bình quân trong xã hội, lương bình quân của ngành nghề và khu vực để NLĐ căn cứ vào đó ký hợp đồng, ký thỏa ước lao động tập thể. Có rất nhiều cơ chế để chúng ta bảo vệ NLĐ chứ không chỉ có thang bảng lương. Thang bảng lương cũng là một điều kiện tốt để bảo vệ NLĐ với điều kiện cơ quan quản lý nhà nước phải thanh tra, kiểm tra được.

  • Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng:

“Nếu chỉ đưa ra những tiêu chí để DN xây dựng thang bảng lương, tham khảo ý kiến của công đoàn thì rất bất cập. Ai cũng biết tham khảo chỉ là tôi hỏi anh, anh đồng ý hay không đồng ý thì mặc kệ, tôi vẫn áp dụng, chứ không phải là bắt buộc phải có sự đồng ý của công đoàn. Đây là điều rất dễ bị DN lợi dụng khi cố ý xây dựng định mức lao động quá cao, khiến NLĐ khó đạt được, vì thế đồng lương của họ sẽ luôn thấp, NLĐ phải chịu thiệt. Nhiều ý kiến cho rằng để DN tự xây dựng thang bảng lương, định mức lao động là cách làm linh động, nhưng tôi lại cho đó là do không quản được thì thả. Để DN tự xây dựng thang bảng lương, định mức lao động phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, nếu DN xây dựng định mức lao động quá cao phải điều chỉnh lại. Nhưng thực tế lực lượng thanh tra lao động quá mỏng, không đủ sức giám sát; trong khi công đoàn chỉ được góp ý kiến chứ không có vai trò quyết định, về lâu dài theo tôi là không có lợi cho NLĐ”.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục