Đừng đổ cái nghèo cho cây lúa

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chia sẻ, ông hết sức băn khoăn khi theo dõi kỳ họp Quốc hội lần này; có nhiều ý kiến tranh luận về quy hoạch sử dụng đất, nhất là đề xuất cắt giảm diện tích đất trồng lúa.
Nông dân Hậu Giang sản xuất lúa theo mô hình trồng lúa thông minh. Ảnh: CAO PHONG
Nông dân Hậu Giang sản xuất lúa theo mô hình trồng lúa thông minh. Ảnh: CAO PHONG

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, là một người con của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa lớn nhất cả nước - ông có suy nghĩ gì về đề xuất cắt giảm đất lúa ở ĐBSCL vì những lý do như làm lúa thì hiệu quả kinh tế không cao, mà “bắt” ĐBSCL gánh hoài nhiệm vụ an ninh lương thực cho cả nước, thậm chí cả thế giới?

Ông PHẠM CHÁNH TRỰC: Thật sự là tôi hết sức băn khoăn về đề xuất quy hoạch lại đất lúa. Do vậy, tôi rất mừng và hết sức đồng cảm khi có đại biểu nhắc nhở “nhiều địa phương đang sử dụng đất theo hướng linh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng” và cần “nghiên cứu, phân tích, đánh giá nghiêm túc mặt được và chưa được của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa giai đoạn 2011-2020”. Tôi cũng chia sẻ những lo lắng chính đáng của một vị đại biểu khác rằng, cùng với việc đất lúa bị thu hẹp, nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp, trong khi đó, lại cũng có những dự án thu hồi đất lúa xong bỏ hoang hoặc chỉ làm một vài hạng mục rồi “đắp chiếu”, rất lãng phí, trong khi người dân không có đất sản xuất.

Đề xuất của đại biểu dựa trên cơ sở cho rằng, cơ cấu bữa ăn của người dân đã thay đổi, sử dụng ít gạo hơn, trong khi đó, đất trồng lúa của Việt Nam lên tới 3,5 triệu ha. Ông nghĩ sao?

Trước hết, 3,5 triệu ha đất trồng lúa có quá lớn và thừa thãi hay không? Không thể phủ nhận là việc trồng lúa hiện nay vẫn sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Do lạm dụng hóa chất nên năng suất cao, sản lượng lớn, song lợi bất cập hại: môi trường ô nhiễm, sức khỏe người dân hao mòn, trong khi chất lượng lúa gạo nhiều khi không đạt tiêu chuẩn, không bán được giá ở những thị trường “khó tính”. Nếu tính đủ chi phí môi trường, xã hội thì “nông sản hóa chất” sẽ có giá thành rất cao. Nếu trồng lúa bằng phân bón hữu cơ, vi sinh thì năng suất thấp hơn, do đó sản lượng thấp hơn, nhưng chất lượng cao, giá trị cao. Vấn đề là phải có những chính sách công bằng, đúng mức để làm rõ giá trị và bảo vệ nông sản hữu cơ, dù năng suất có thấp hơn.

Thế giới đang thiếu lương thực và tương lai sẽ còn thiếu nghiêm trọng hơn, lúa gạo sẽ càng có giá trị cao. Không có cách gì tạo ra lương thực thực phẩm mà không dựa vào ruộng đất! Hơn nữa, trong tương lai, khi biến đổi khí hậu, thiên tai khốc liệt làm cho mùa màng khó khăn, nước biển dâng có khả năng làm mất đến 40% diện tích ĐBSCL thì nếu bây giờ cắt giảm thêm diện tích trồng lúa, các thế hệ sau này sẽ sống ra sao?

Những vùng đất lúa bờ xôi ruộng mật ở đồng bằng sông Hồng cũng quý giá không kém trong đảm bảo lương thực cho miền Bắc. Có ai dám chắc rằng trong 100 năm tới tuyệt đối không có những biến cố lớn xảy ra? Hãy nhìn xem dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu như thế nào?

Mong muốn công nghiệp hóa nhanh, đô thị hóa nhanh để tăng trưởng nhanh, người dân có thu nhập cao hơn, không phải là không chính đáng. Nhưng, công nghiệp hóa không phải chỉ có xây dựng khu công nghiệp thật nhiều. Hiện nay, những khu công nghiệp đã có ở các tỉnh ĐBSCL đã lấp đầy bao nhiêu phần trăm diện tích? Và, việc xử lý chất thải công nghiệp có tái tạo được môi trường như trước hay chưa? Tại sao ĐBSCL lại không thể có một nền nông nghiệp hiện đại và thuận thiên như các nước Hà Lan hay New Zealand?

Nhưng, có một thực tế là người nông dân làm nông nghiệp nói chung và nông dân ĐBSCL nói riêng dù lao động một nắng hai sương nhưng thu nhập vẫn không cao, thưa ông?

Vì sao nông dân ĐBSCL nghèo lại là một câu chuyện dài khác, cần có điều tra xã hội học mới có thể đánh giá toàn diện được. Tuy nhiên, bằng quan sát thực tế chủ quan, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp là do giá nông sản bấp bênh. Mặc dù giá lúa theo cung cầu thị trường thế giới, lúc lên lúc xuống là bình thường, nhưng người nông dân thiếu cơ sở để dự kiến kế hoạch sản xuất. Họ lại không chủ động được các yếu tố đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, nuôi tôm cá…). Bên cạnh đó là do tập quán thu hoạch rồi bán ngay cho thương lái mà không trực tiếp tìm đến các công ty xuất khẩu gạo hay thương mại trong nước…

Giá trị nông sản thấp còn do người nông dân vẫn chủ yếu bán nguyên liệu thô và không khai thác được những phụ phẩm có giá trị ngoài hạt gạo. Ví dụ, dầu cám là nguyên liệu cho một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm; trấu, nếu dùng để đốt lò hơi thì 1 tấn trấu cho 5 tấn hơi bão hòa tiêu chuẩn, giá 15 USD/tấn hơi. Ở Khu công nghệ cao TPHCM có nhà máy chế biến trấu thành silica và nano silica, giá 5 USD/kg, hoặc carbon giá 2 USD/kg - đây là nguyên liệu làm sơn hoặc vỏ ô tô. Chỉ riêng 2 loại nguyên liệu này có thể đem lại cho người nông dân khoảng 6 tỷ USD mỗi năm.

Ruộng đất manh mún (và vì thế không thuận lợi để ứng dụng khoa học công nghệ đúng mức và đúng đắn), năng suất lao động thấp, là những yếu tố thực tế khác dẫn đến thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê năm 2017, năng suất lao động của nước ta bình quân là 93,2 triệu đồng/lao động, thì riêng ngành nông nghiệp chỉ 35,6 triệu đồng/lao động, thấp nhất trong các ngành kinh tế. ĐBSCL cũng không ngoại lệ.

Quan trọng nhất là trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp của lao động vùng ĐBSCL vào hạng thấp nhất so với các vùng trong cả nước. Lao động nông nghiệp sẽ chuyển sang các lĩnh vực, ngành khác là quy luật phát triển, nhưng cũng làm cho sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn vừa thừa lao động vừa thiếu lao động. Thừa lao động không có nghề, thiếu lao động được đào tạo cho sản xuất nông nghiệp hiện đại. Chúng ta chưa vận động được nhân dân làm chủ sản xuất nông nghiệp, vẫn phụ thuộc quá nhiều những yếu tố bên ngoài, vào phương thức sản xuất thị trường tự do mà thiếu “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân đây xin được bày tỏ rằng, đừng đổ cái nghèo cho cây lúa để rồi vội vã lấy đất lúa sử dụng cho những mục đích khác. Cần nhớ rằng, đất lúa là một hệ tài nguyên đất đai đặc biệt và khi đã thay đổi sẽ không bao giờ lấy lại được.

Tin cùng chuyên mục