Ngày 11-4, Chính phủ Philippines cáo buộc 2 tàu hải giám Trung Quốc đã cản trở tàu chiến lớn nhất của nước này đang tìm cách bắt giữ ngư dân Trung Quốc trên 8 chiếc tàu đánh bắt cá đang neo đậu tại bãi đá ngầm Scarborough nằm trong vùng lãnh hải của nước này. Ngay sau đó, phía Trung Quốc cũng đã ra tuyên bố cáo buộc một tàu chiến Philippines xâm phạm trái phép vùng biển của nước này, đồng thời yêu cầu tàu này nhanh chóng rời đi. Các động thái leo thang căng thẳng này đã làm cho biển Đông lại dậy sóng.
Chạm trán trên biển
Theo phía Philippines, trong khi tuần tra, tàu chiến Gregorio del Pilar đã phát hiện có 8 tàu cá Trung Quốc neo đậu trong phạm vi lãnh hải ngoài khơi bãi đá ngầm kể trên từ ngày 8-4 vừa qua. Đến ngày 10-4 thì 2 tàu hải giám của Trung Quốc được phái đến khu vực này.
Sáng 11-4, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã cho triệu Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila Mã Khắc Kính tới để giải quyết vấn đề này thông qua con đường ngoại giao. Văn phòng ông Rosario ra tuyên bố nói rằng bãi đá ngầm Scarborough, rộng 150km², cách bờ biển phía Tây đảo Luzon của Philippines 124 dặm hải lý, “là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Philippines” và giới hữu trách Manila sẽ tái khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh hải này. Tuyên bố nhấn mạnh tàu hải giám đã ngăn cách giữa tàu Gregorio del Pilar và các tàu cá “vì thế đã ngăn chặn không cho bắt giữ các ngư dân Trung Quốc có hành vi sai trái”.
Trong khi đó, Trung Quốc tố cáo ngược lại Philippines. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết ngày 10-4 Bắc Kinh đã nhận được báo cáo cho biết 12 chiếc tàu đánh cá của họ đang tìm đường trú ẩn để tránh thời tiết xấu đã bị một tàu hải quân của Philippines chặn lối vào đầm phá tại bãi đá ngầm trên. Tàu này còn cử 12 binh sĩ, trong đó có 6 người trang bị vũ khí sách nhiễu ngư dân Trung Quốc. Cho nên 2 tàu hải giám của Trung Quốc đang hoạt động gần đó được điều đến để bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc đã ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với biển Đông, trong đó có khu vực tranh chấp gần lãnh thổ Philippines. Tuyên bố đã “yêu cầu phía Philippines chấm dứt ngay lập tức mọi hành động bất hợp pháp và rời khỏi vùng biển này. Tuyên bố có đoạn: “Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định lại rằng đảo Hoàng Nham (Huangyan) là phần lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc và vùng biển xung quanh là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc”.
Vài giờ sau, Trung Quốc cũng đã ra cáo buộc “một tàu chiến Philippines xâm phạm trái phép vùng biển của nước này, đồng thời yêu cầu tàu này nhanh chóng rời đi”.
Gia tăng căng thẳng
Bãi đá ngầm Scarborough nằm ở ngoài khơi tỉnh Zambales, Tây Bắc Philippines, được đánh giá là khu vực giàu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Philippines khẳng định, họ có chủ quyền trên các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và quan điểm này được hỗ trợ bởi luật pháp quốc tế.
Gregorio del Pilar (PF-15) trước đây là tàu Hamilton của lực lượng tuần duyên Mỹ. Chính phủ Philippines đã mua chiếc Gregorio del Pilar với giá vào khoảng 13,18 triệu USD theo chương trình Điều luật thu mua quốc phòng của Mỹ. Gregorio del Pilar là tàu chạy bằng động cơ phản lực tuabin khí đầu tiên trong số các tàu của hải quân nước này. Đây là con tàu nhanh nhất, lớn nhất, mạnh nhất trong đội tàu của Hải quân Philippines.
Đây là vụ đụng độ mới nhất trong hàng loạt những căng thẳng leo thang về tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc trong thời gian gần đây ở biển Đông. Vào tháng 6 năm ngoái, căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi Philippines điều tàu chiến lớn nhất của mình ra tuần tra quanh bãi đá ngầm Scarborough sau nhiều lần Manila cáo buộc các tàu Trung Quốc đã quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí, hoặc bắn vào tàu cá Philippines.
Vụ đụng độ là động thái mới nhất làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai nước xung quanh vấn đề tuyên bố chủ quyền ở biển Đông - vùng biển được cho là rất giàu trữ lượng dầu khí.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 ở Phnom Penh (Campuchia) hồi đầu tháng, Philippines đã kêu gọi tổ chức hội nghị cấp cao khu vực để bàn thảo về tranh chấp ở biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối “quốc tế hóa” và thiên về hội đàm song phương.
HẠNH CHI