Lương Văn Mão nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Hủa Na
Năm 2008, thủy điện Hủa Na khởi công. Hàng ngàn hộ dân tại huyện rẻo cao Quế Phong (tỉnh Nghệ An) phải đến nơi ở mới, quê cũ trở thành lòng hồ. Cũng như hàng ngàn người dân khác, chàng trai Lương Văn Mão, dân tộc Thái, phải nhường quê cũ cho thủy điện. Nhưng rồi nỗi niềm đau đáu nhớ rừng, nhớ quê đã đưa chàng trai 25 tuổi này trở lại lòng hồ, chọn một đồi hoang dựng cơ nghiệp.
Sống trên “nóc” quê cũ
Để vào được “hoang đảo” nơi Mão sinh sống (thuộc xã Đồng Văn, huyện Quế Phong), chúng tôi phải nhờ người “đặt lịch” trước. Mão đưa thuyền từ “hoang đảo” trong lòng hồ thủy điện Hủa Na ra đón chúng tôi.
Thuyền chạy được một hồi, Mão cười, chỉ tay xuống dưới mặt nước lòng hồ nói: “Anh em chúng ta đang chạy thuyền trên “nóc” bản cũ của nhà em, vẫn là xã Đồng Văn, nay nước dâng đến tầm 30m”.
Mão kể, năm 2012, thủy điện chuẩn bị tích nước, gia đình Mão và hơn 1.300 gia đình khác phải di dời nhà cửa, bỏ lại ruộng nương đến các khu tái định cư. Đến nơi ở mới, phải xa rừng, vốn gắn bó như máu thịt với những người dân nơi đây, ai cũng hụt hẫng. Chưa kể ở nơi ở mới, bà con chưa quen với cách làm ăn mới, đất chật, người đông, ruộng chưa có… nên nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó.
Cuộc sống khó khăn, như nhiều thanh niên khác, Mão cũng có ý định vào Nam làm công nhân hoặc sang Lào lao động tự do. Trong quãng thời gian chưa quyết định sẽ làm gì, Mão hàng ngày quay lại rừng chặt lùng mang về bán cho các xưởng làm tăm. Lùng (một loại cây họ tre nứa) là loại cây đặc hữu chỉ phân bố ở một số nơi, trong đó có vùng này. Mỗi lần đưa lùng vượt hồ, Mão phát hiện nước càng dâng lên cao, cá tôm trong lòng hồ phát triển càng nhiều. Thế rồi, Mão thôi đi chặt lùng, mua lưới đánh bắt cá.
Anh tâm sự: “Lúc đó, mỗi ngày có khi em đánh được cả yến cá, thu nhập cao hơn rất nhiều so với đi chặt lùng. Rồi một lần đi gỡ cá, nhìn lên khoảng rừng em và bà con đi lấy lùng, thấy một khoảng trống. Em nghĩ, nếu cứ phát mãi, chặt mãi rồi rừng sẽ biến mất. Từ lúc đó, trong em bỏ hẳn ý định đi làm ăn xa, phải quay lại sống cùng rừng”.
Chinh phục “hoang đảo”
Năm 2013, sau khi đi khảo sát khắp lòng hồ, Mão tìm được một “hoang đảo”, một quả đồi hoang, trọc lóc giữa lòng hồ. Được chính quyền cho phép, anh quyết định ra đây sinh cơ, lập nghiệp. Mão sắm 1 chiếc thuyền máy làm phương tiện đi lại giữa bờ và “hoang đảo”.
Đúng như ông bà nói “vạn sự khởi đầu nan”, đảo không điện, không một bóng người. Thời gian đầu, do chưa bao giờ sống ở đảo này nên không lường trước được nhiều khó khăn sẽ đến. Mùa lũ đầu tiên, nước hồ dâng cao khiến căn nhà sàn ngập sâu gần 1m suốt cả tháng trời, may còn mặt sàn nhà để sinh hoạt. Heo, gà phải di dời sang đảo bên cạnh. Chỉ riêng việc đi lại cho heo, gà ăn đã vất vả, vì chỉ có thể đi lại được bằng thuyền.
Mão kể, thời gian đầu, dù cực nhọc, buồn tẻ nhưng bù lại cũng mang đến cho anh những khoảnh khắc “đầy thơ”. Đêm trăng, nằm ngắm mặt hồ gợn lớp lớp ánh bạc, ngày nắng, mặt nước sóng sánh những vạt dài lấp lóa… Đi quanh quanh đảo bắt ếch, ra mấy bãi bồi hái cà dại đem om lên, ngon khó cưỡng. Cá, chạch, lệch, tôm tép… đủ loại “tự biên tự diễn”, chỉ có gạo, nước mắm, bột nêm… là phải vào bờ mang ra.
Gặp nhiều khó khăn nhưng Mão không nản chí. Anh vay vốn mua ngư cụ đánh cá và làm lồng bè nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như lăng, leo, trắm... Ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm gà, vịt, heo. Mỗi ngày, Mão đánh bắt được một lượng lớn cá trong lòng hồ. Số này ngoài làm thức ăn, anh dùng cho chăn nuôi.
Năm 2014, xã Đồng Văn giao Mão quản lý, bảo vệ khu vực rừng gần đảo anh sống. Ngoài chăm sóc, anh được phép khai thác để bán. Lùng có giá trị kinh tế khá cao, được các doanh nghiệp mua để làm tăm hương, đồ mỹ nghệ.
Mỗi năm, ngoài chăn nuôi, riêng việc khai thác cây lùng trong khu vực rừng Mão nhận bảo vệ cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Mão kể, vốn trước đây, người dân trong vùng khai thác lùng theo kiểu tận diệt, chặt hết cây non bên ngoài để lấy cây già bên trong. Những cây gỗ lớn trên rừng có thể bị lâm tặc đốn hạ nhưng chẳng ai biết. Vậy nên, khi anh đặt vấn đề tự nguyện bảo vệ rừng để hưởng “lộc” rừng, xã đồng ý ngay. Từ khi xã giao rừng cho Mão, khu rừng này đã bình yên.
Bây giờ, con đường từ trung tâm huyện Quế Phong lên hồ thủy điện Hủa Na đã được thảm nhựa. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, biết đến Hủa Na nhiều hơn với phong cảnh hồ nước nên thơ, nhiều món cá, tôm đặc sản. Có những đôi bạn trẻ đã chọn Hủa Na làm nơi chụp ảnh cưới. Mỗi lần có khách đến, Mão lại dùng thuyền của mình đưa họ đi khám phá “quê mới trên nóc quê cũ” của mình. “Hoang đảo” bây giờ không còn hoang vắng khi Mão đã có vợ và con trai.
Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình trên đảo, chỉ vào những điểm còn trống, Mão cho hay, anh đang trồng thử nghiệm dừa xiêm. Nếu thành công, anh sẽ nhân rộng, trồng xung quanh đảo để tạo cảnh quan và thêm thu nhập. Mô hình gà-heo-cá lồng cũng đang được anh mở rộng. Từ khi mô hình của Mão thành công, một số người bắt đầu làm theo và cũng có thu nhập ổn định. Anh dự tính sẽ tiếp tục vay vốn để biến lòng hồ và “hoang đảo” thành nơi đáng sống, đáng đến, nuôi gia đình mình và đặc biệt là giữ và phủ xanh lại rừng.
Năm 2017, Mão là 1 trong 29 thanh niên tiêu biểu với mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi được Tỉnh đoàn Nghệ An tuyên dương. Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Lương Thái Quý cho biết mô hình của Mão vừa giúp bảo vệ được rừng, vừa phát triển được kinh tế. Hiện xã có hơn 20.000ha đất rừng cộng đồng do xã quản lý nên mô hình của Mão đang được xã cho nhân rộng.