Đừng nhân danh “mạng xã hội”

Không thể phủ nhận Google, Facebook... đã mang đến lợi ích khó cân đong đo đếm ngoài việc giúp con người kết nối, giữ liên lạc với nhau. Và thật khó tưởng tượng trong xã hội hiện tại lại có thể thiếu mạng xã hội, từ công việc cho tới cuộc sống cá nhân. Nhiều ý kiến cực đoan cho rằng đừng phí thời gian cho mạng xã hội, thế nhưng mạng xã hội không có lỗi, lỗi là ở chính bản thân người sử dụng.
Đừng nhân danh “mạng xã hội”

Không thể phủ nhận Google, Facebook... đã mang đến lợi ích khó cân đong đo đếm ngoài việc giúp con người kết nối, giữ liên lạc với nhau. Và thật khó tưởng tượng trong xã hội hiện tại lại có thể thiếu mạng xã hội, từ công việc cho tới cuộc sống cá nhân. Nhiều ý kiến cực đoan cho rằng đừng phí thời gian cho mạng xã hội, thế nhưng mạng xã hội không có lỗi, lỗi là ở chính bản thân người sử dụng.

Vì bởi mạng xã hội chứa đầy hoa lẫn rác. Nếu bạn là ong bướm, hoa sẽ thu hút bạn và bạn sẽ tìm ra hoa; nhưng nếu bạn là ruồi, dĩ nhiên rác sẽ thu hút bạn và bạn sẽ gặp toàn rác. Chính vì thế được hoa hay rác là tùy vào bạn. Nếu mạng xã hội được bạn sử dụng hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích và ngược lại.

Mạng xã hội tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống, đặc biệt đối với người trẻ. Từ văn hóa, xã hội, giải trí cho tới đời tư cá nhân đều có thể được đem lên bàn mổ, mạng xã hội vì thế mang chức năng phản biện xã hội nhanh nhạy, hiệu quả, đôi khi hơn cả các kênh báo chí chính thống, thông qua việc chia sẻ, tương tác, bình luận... về các vấn đề xã hội với tốc độ chóng vánh. Mạng xã hội vì thế trở thành diễn đàn, là nơi phát ngôn của hàng triệu triệu người, và cũng vì thế mà tác động, ảnh hưởng rất lớn với vô số người...

Mạng xã hội tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống, đặc biệt đối với người trẻ. Ảnh: Internet

Việt Nam với dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh đã và đang lệ thuộc rất nhiều vào mạng xã hội, vào internet - nơi cập nhật từng giây tin tức thời sự nóng hổi với vô số bình luận, chia sẻ, thể hiện quan điểm cá nhân... Trong khi việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội là rất khó nếu không muốn nói là không thể, bất kể các nguồn tin này đúng hay sai, được kiểm chứng hay chưa, thì rủi ro khi bị phát tán, lan truyền là không hề nhỏ.

Chính vì tính chất của mạng xã hội như thế, nên đã có không ít người vô tình hay cố ý nhân danh “cộng đồng mạng”, “cư dân mạng” để ném đá hay bênh vực cá nhân hoặc vấn đề nào đó một cách cảm tính và quá đà.

Một học sinh cấp ba phải tự tử vì không chịu nổi đống gạch đá dư luận lên cái gia đình rệu rã, tan nát của người cha phạm tội phải đi tù, người mẹ bỏ trốn và em trai rơi vào nghiện ngập. Một nhạc sĩ phải treo cổ tự sát cũng chính vì không chịu nổi sức ép sau khi bị khán giả tẩy chay. Có người phải đi tù vì chia sẻ những thông tin nhạy cảm...

Một số người rất thích nhân danh những điều không thật hoặc chưa suy xét thấu đáo để hợp lý hóa những sai trái của bản thân một cách rất cảm tính, nhằm thỏa mãn sự ích kỷ trong chính bản thân mình. Một số người khác còn rất thích nhân danh này nọ để đánh lừa cảm giác tội lỗi hay đơn giản chỉ là hướng đến hành vi có lợi cho chính mình?

Một cá thể tử tế là một cá thể biết làm việc, sáng tạo, tự lo lắng cho bản thân, gia đình, rộng ra là cho những người xung quanh mình, cho xã hội. Một cá thể tử tế là một cá thể biết phân biệt đâu đúng đâu sai, ranh giới giữa đúng và sai, giữa cách làm việc cật lực, kiếm tiền lương thiện so với chuyện trục lợi dựa vào sự cả tin của đám đông, nhân danh những điều, những chuyện không thật để đánh bóng, tôn tạo hình ảnh bản thân.

Đừng nhân danh ''mạng xã hội'' để trục lợi dựa vào sự cả tin của đám đông. Ảnh: Internet

Thiên biến vạn hóa, cuộc sống luôn có những điều không thể cảm tính cân đo, không lường hết được. Vậy hãy chia sẻ những điều bạn cảm thấy thú vị, thực sự bổ ích cho bản thân, cho cộng đồng, cho đám đông lúc nào cũng đói thông tin, đói sự kiện ngoài kia.

Bạn sẽ hỏi thế nào là “thực sự bổ ích”, là “chuẩn mực”? Luôn luôn có những chuẩn mực nhất định cho mọi vấn đề. Vậy nên hãy làm, hãy chia sẻ những điều thích hợp, không vi phạm pháp luật hay chí ít không vi phạm đạo đức và đừng nhân danh bất cứ ai, bất cứ điều gì. Không thể nhân danh nghệ sĩ, trí thức để làm điều này, điều nọ trái với chuẩn mực chung; càng không thể nhân danh sự công bằng, sòng phẳng, lương tri, sự tha thứ... để kiên quyết đẩy ai đó ra tòa, dù đó là tòa án lương tâm.

THẢO PHẠM

Tin cùng chuyên mục