Chưa được công nhận là di tích, di sản thế nhưng cầu Long Biên, cây cầu đầu tiên nối liền hai bờ sông Hồng với hơn 100 năm tồn tại đã được người dân mặc nhiên coi là một một biểu tượng đẹp của Hà Nội. Vì thế, ngay khi Bộ GTVT có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên ngay lập tức gặp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận.
GS-KTS Hoàng Đạo Kính thì cho rằng cả 3 phương án đều phá hoại cây cầu này. Ông phân tích, trước hết cầu Long Biên là một kỳ công xây dựng cũng như về kỹ thuật xây dựng cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, chưa bao giờ có một công trình nào đồ sộ, phức tạp lại tiệm cận được với kỹ thuật xây cầu thế giới như cầu Long Biên. Giá trị thứ hai, phải coi cầu Long Biên như một phần ký ức của lịch sử Hà Nội. Cây cầu này gắn liền với cuộc sống của Hà Nội với nhiều kỷ niệm, nhiều sự kiện lịch sử mà Hà Nội không thể quên. Và cầu Long Biên là một hình ảnh kiến trúc đô thị của thủ đô. Nó gắn liền với khu phố cổ, khu phố cũ với những hình ảnh về Hà Nội mà ai cũng nhớ mà nhớ bắt đầu từ hình ảnh Nhà hát Lớn, từ chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám rồi đến cầu Long Biên.
Chia sẻ quan điểm này, KTS Trần Huy Ánh cũng khẳng định, sau hơn một thế kỷ tồn tại với bao thử thách, cây cầu đang đứng trước thời khắc đầy khó khăn: cũ kỹ, ọp ẹp giữa Hà Nội ngổn ngang khi áp lực giao thông đô thị gia tăng hàng ngày song các phương án liên quan đến cầu đều không thỏa mãn cả về yếu tố dân sinh cũng như giá trị lịch sử tinh thần vốn có của công trình này. KTS Hoàng Thúc Hào thì cho rằng đây không chỉ là cây cầu duy nhất của Việt Nam, nó còn là cây cầu độc đáo hiếm hoi trên thế giới. Tại sao chúng ta đã có cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì… để giảm tải giao thông cho thủ đô, nhưng sao chúng ta lại vội vàng ứng xử như thế với cầu Long Biên?
Nhớ lại năm 2011, bà Nguyễn Nga - KTS quy hoạch đô thị Paris, người từng hai lần tổ chức Festival cầu Long Biên - đề xuất biến cầu trở thành bảo tàng sống khi đó cũng phải đối mặt với bao búa rìu dư luận. Bởi lẽ việc đầu tư cải tạo nâng cấp cây cầu đang xuống cấp sau hơn 1 thế kỷ phong trần với nắng gió khắc nghiệt của miền nhiệt đới là ý tưởng tốt song phương án nâng cầu lên cao thêm 3m và bọc kính đồng thời loại cây cầu ra khỏi trục giao thông hiện tại đã không nhận được sự đồng tình của dư luận lúc ấy. GS Nguyễn Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam khi ấy đã nhấn mạnh rằng: “Cây cầu là một phần ký ức lịch sử vì thế tất cả những can thiệp mới đến kiến trúc này càng ít càng tốt”. Cũng tại thời điểm đó hàng loạt ý kiến phản đối việc loại cây cầu ra khỏi trục giao thông, biến cây cầu Long Biên đã bao năm gắn bó với lịch sử, với các biến cố thăng trầm của Hà Nội trở thành một cây cầu “chết”… đã đánh tan mọi ý tưởng, dự án liên quan đến việc cải tạo cầu.
Chưa được công nhận là di sản, là di tích nhưng cây cầu là nhân chứng, là một phần ký ức hào hùng của Hà Nội, vì thế đừng vội vàng khi ứng xử với cầu Long Biên
Mai An