1. Quê tôi những năm tháng bao cấp, có chú Dũng là đảng viên đi bộ đội về tham gia hợp tác xã. Thời ấy cả làng làm kinh tế tập thể. Nhà nào cũng muốn chấm công nhiều nhưng công lao đóng góp vào HTX thì rất ít. Chú Dũng không ưng cách làm của người làng, họp cuộc nào chú cũng đả thông tư tưởng bà con nông dân nhưng rồi đâu lại vào đó. Ra đồng họ vẫn cứ lững thững làm, làm một chặp lại kéo nhau lên bờ mương vấn thuốc rê, chờ trưa về. Những lúc ấy, chú Dũng vẫn làm. Chú nghĩ, nói mà không làm thì bà con không tin.
Năm đó, huyện về kiểm tra, HTX quê tôi bét nhất huyện, sản lượng nông nghiệp hạng chót, năng suất lao động hạng chót, tinh thần xã viên hạng chót. Làng thuần nông, mà nông dân bị xếp hạng chót là tự ái lắm! Mấy năm trước, làng lúc nào cũng tiên tiến, tinh thần xã viên phơi phới, giờ hạng chót là tức, tự ái. Nhưng, xã viên tự ái lại đâm ra đổ đốn, chẳng làm, cũng chẳng muốn phấn đấu thêm, cứ bù khú với nhau, vét sạch rượu trong làng ra uống, say nghiêng ngả cả làng.
Chú Dũng vẫn cần cù, động viên gia đình cùng ra đồng, rồi động viên dòng họ ra đồng. Ban quản trị hợp tác xã cũng ra đồng theo chú. Bà con nghỉ sớm, chú cày đến đứng bóng mới mở ách cho trâu nghỉ. Bà con cười: “Đồ ngu, mần HTX cần chi nai lưng hết sức, mần vừa vừa cũng đủ lúa chấm công”. Nghe vậy, chú cũng cười. Mỗi ngày chú làm thêm một giờ, cày thêm luống cày, cấy thêm hàng mạ, dặm thêm mảnh ruộng, chăm thêm luống khoai, phát hoang thêm thửa ruộng, cuối năm chú được chấm công lớn, sản lượng lớn, tư cách nông dân cần cù.
Bà con nhìn vào: Chú Dũng là đảng viên, đảng viên làm hơn một luống cày, hơn một giờ làm. Đảng viên làm được thì quần chúng noi theo. Cả làng tỉnh ngộ, thoát cảnh nghiêng ngả, lao vào thi đua, nhà này thi đua với nhà kia, thi đua để noi gương chú Dũng. Năm sau, làng thắng lớn, được tỉnh khen, huyện tuyên dương, bà con hết tự ái.
2. Ông Nguyễn Ngọc Cường (Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình), 50 năm tuổi Đảng. Những năm kháng chiến, làm chuyên gia ở Lào, Campuchia, cả làng nói ông giàu vì “đi nước ngoài”. Ở đó có vàng dát trên mái chùa, tha hồ lấy về mà giàu! Làng nói thế nhưng ông chẳng tơ hào của ai bao giờ, sống giản dị bằng đức tính riêng mình.
Ở nhà, vợ con cùng dìu nhau vượt qua cuộc sống bằng rau cháo. Khổ nhưng ông vẫn dạy con nên người. Làm chuyên gia, có tiếng có tài, ông được nể trọng. Nhưng ngày về, ông chẳng mang gì ngoài ba lô sách, cùng huân chương do Hoàng thân Xuvanuvông trao tặng, để ghi nhớ công lao đóng góp, đào tạo hàng trăm chuyên gia của nước Lào.
Bình Trị Thiên chia tỉnh, ông về Quảng Bình làm công tác tài chính, cái nghề nhạy cảm nhưng ông vẫn không gây ra điều gì tai tiếng mà sống đàng hoàng. Tỉnh có chủ trương cấp đất cho cán bộ công chức làm nhà, ông được cấp một suất đất, vị trí đẹp, có lợi nhiều thứ. Ưu ái đó ông biết là tỉnh dành riêng cho chuyên gia từ nước bạn trở về. Ông thầm cảm ơn lãnh đạo tỉnh, nhưng từ chối nhận đất. Vì ở quê đã có nhà, có đất rồi, nhận làm chi cho ham!
3. Bí thư Huyện ủy huyện Bố Trạch (Quảng Bình) Phạm Hồng Thanh được dân gọi là cán bộ thanh liêm. Ông lên làm lãnh đạo, huyện Bố Trạch trở thành huyện đầu tiên của tỉnh xóa nhà tranh cho người nghèo. Người ta nói ông có tài làm việc nhưng hơn hết, ông chẳng màng đến tư lợi việc riêng. Làm đến chức bí thư huyện ủy, ông vẫn mần mấy sào ruộng. Ông nói, không làm ruộng lấy chi ăn? Hết giờ công sở, ông lại lội đồng gieo lúa, nhổ mạ, việc nào ra việc nấy, như nông dân thứ thiệt.
Ông có hai người con gái, đi học làm giáo viên, trở về, được bố trí làm việc ở nơi thuận lợi. Con cầm thông báo nhận việc khoe, ông xem rồi yêu cầu nơi tiếp nhận hủy quyết định. Ông khuyên hai con nên lên biên giới dạy chữ cho người Ma Coong. Răn con, ông nói, trẻ phải lăn lộn, dạy cho đồng bào cái chữ mới quý, dạy dưới miền xuôi thuận lợi đã có đồng nghiệp khác lo. Đã mười năm, con gái ông vẫn chưa về miền xuôi, vẫn cắm bản, ở lại truyền chữ cho người Ma Coong.
Nhà ông ở quê, ngôi nhà cấp 4 phủ đầy rêu phong, cấp dưới muốn ông xây căn khác kiên cố hơn. Riêng ông bảo: Ở thế cũng tốt. Cấp dưới biết ông chẳng có tiền, liền đưa gạch về lát nền nhà, thay nền xi măng đã vỡ toác. Biết việc, ông về bảo thợ ra khỏi nhà, trả lại gạch lát nền: “Cán bộ Nhà nước làm rứa không thể được”. Ông thanh liêm nên huyện ông được xem là lá cờ đầu của tỉnh. Ông là đảng viên và đảng viên là phải như thế!
MINH PHONG