“Lễ tẩy trần tháng tư” của Inrasara:

Được giải thưởng văn học ASEAN 2005

Được giải thưởng văn học ASEAN 2005

Lễ tẩy trần tháng tư là thánh lễ linh thiêng của người Chăm, được tổ chức vào đầu năm Chăm lịch. Với mỗi người Chăm, mỗi làng và cả cộng đồng Chăm, tham gia hành lễ là để tống khứ những điều xấu xa, tẩy rửa cái cũ, để đón những điều mới mẻ, cho cả những sinh thể lẫn vật thể, tự tác hay tạo tác, được đón nhận với một tinh thần tràn đầy hân hoan.

Được giải thưởng văn học ASEAN 2005 ảnh 1

Nhà thơ Inrasara.

Tập thơ được khai bút tại Phan Rang vào mùa mưa năm 2000 và hoàn thành tại Trại sáng tác Vũng Tàu năm 2002 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Việc Lễ tẩy trần tháng tư được chọn trao tặng giải thưởng văn học ASEAN 2005 như một sự ghi nhận những giai điệu thi ca mang bản sắc riêng, đậm chất văn hóa của một dân tộc, được phát triển từ một lễ nghi đầy tính nhân văn qua quá trình nghiên cứu và gìn giữ. Trước đó vào năm 2003, tác phẩm này cũng đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác giả Inrasara tên thật là Phú Trạm, năm nay 48 tuổi, sinh tại làng Chăm Chakleng-Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Từng làm việc nghiên cứu ở Ban biên soạn sách chữ Chăm-Ninh Thuận và tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á-Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm dịch thuật và sáng tác như: Văn học Chăm I-khải luận, Văn học dân gian Chăm, Từ điển Chăm-Việt, Việt-Chăm (viết chung), Các vấn đề văn hóa-xã hội Chăm, Tự học tiếng Chăm, thơ và trường ca Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Tuyển tập Inrasara…

Ông đã từng nhận giải thưởng CHCPI của Đại học Sorbonne (Pháp) với tác phẩm nghiên cứu Văn học Chăm I; Giải thưởng của Ban Văn học dân tộc-Hội Nhà văn Việt Nam với Văn học Chăm II; Giải thưởng của Hội Văn học-Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam với tác phẩm Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại, thơ Sinh nhật cây xương rồng, Tháp nắng…

Hiện nhà thơ Inrasara đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước ông đã có các tác giả Việt Nam như cố nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu, nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên… đã được trao tặng giải thưởng văn học ASEAN.

HUY MIÊN

 

Tin cùng chuyên mục