Theo tính toán của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, nếu khai thác 750ha thông sẽ thu về 103.000m³ gỗ, mang lại khoản lợi nhuận trước thuế là 53,3 tỷ đồng. Ngoài thu các khoản thuế, thu nộp ngân sách tiền bán gỗ do các đơn vị chủ rừng thực hiện, các doanh nghiệp khi đưa gỗ tròn vào tinh chế sẽ nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, nộp các khoản thuế khi tiêu thụ sản phẩm sau chế biến.
Cùng với hiệu quả kinh tế, việc khai thác rừng thông 3 lá sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ khi Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên; đồng thời tạo nhiều việc làm cho người lao động. Ngoài 750ha rừng này, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án cho phép 9 ban quản lý rừng khai thác 750ha rừng thông 3 lá trên lâm phần đơn vị quản lý. Như vậy, dự kiến trong giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ khai thác trắng gần 1.500ha rừng thông 3 lá.
Trồng rừng sản xuất thì việc khai thác là đương nhiên. Đó cũng là nhiệm vụ chính nhằm tạo nguồn thu phục vụ hoạt động của công ty lâm nghiệp, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người lao động, như tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Tuy vậy, dư luận lo ngại việc khai thác trắng (thay vì hình thức khai thác dần, khai thác chọn) một diện tích rừng lớn trong thời gian ngắn, chỉ hơn 3 năm, sẽ tác động tiêu cực đến môi trường, nhất là trong bối cảnh diện tích rừng của toàn khu vực Tây Nguyên đang trên đà suy giảm. Về vấn đề này, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, diện tích khai thác chỉ dưới 50ha ở mỗi tiểu khu và bố trí đều trên các huyện, do đó chỉ ảnh hưởng môi trường cục bộ ở khu vực khai thác, chứ không ảnh hưởng đến môi trường toàn khu vực. Độ che phủ rừng đến năm 2020 cũng đảm bảo theo mức mà nghị quyết Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Lâm Đồng đề ra là 55%. Sau khi khai thác, toàn bộ diện tích sẽ được trồng lại rừng; không chuyển đổi sang trồng các loại cây khác hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Kế hoạch là vậy, vấn đề là việc triển khai và giám sát hoạt động khai thác rừng, trồng lại rừng cần thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Bởi thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên không ít dự án liên quan đến rừng đã lấy danh nghĩa tận thu lâm sản để khai thác rừng trái phép, hoặc lợi dụng giấy phép để khác thác “nhầm” diện tích.
Cùng với đó, cần quản lý chặt diện tích đất rừng vừa khai thác để trồng lại rừng, không để đất rừng bị xà xẻo, lấn chiếm. Việc trồng lại rừng cần thực hiện kịp thời, khai thác đến đâu trồng lại rừng ngay đến đó, trồng đúng chủng loại, đủ diện tích và được bảo vệ, chăm sóc tốt. Nếu không làm tốt những điều đó, việc khai thác trắng cả ngàn hécta rừng thông sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.