“Đuối” vốn, phải liên kết

Hầu hết DN kinh doanh địa ốc ở nước ta đều yếu vốn, vì vậy việc “bán lúa non” là giải pháp hữu hiệu để các DN có điều kiện thực hiện các dự án. Tuy nhiên theo Nghị định 153 quy định, DN đầu tư kinh doanh địa ốc phải có đủ 15% trong tổng mức đầu tư của một dự án mới được thực hiện, và phải xây xong phần móng mới được huy động vốn.

Một dự án nhà ở từ khi khởi động đến lúc có đầy đủ pháp lý để khởi công ít nhất cũng mất 24 tháng. Với dự án có quy mô vài trăm căn hộ, thời gian thi công nhanh nhất cũng mất 24 tháng nữa. Như vậy từ lúc triển khai đến lúc hoàn thiện dự án mất hết 4 năm. Với thời gian như vậy, hầu hết các DN không đủ vốn để đầu tư từ đầu đến cuối. Vì vậy việc huy động vốn từ khách hàng xem ra là hiệu quả nhất. Nay, theo quy định của Nghị định 115, các DN kinh doanh địa ốc đều phải tính toán lại việc đầu tư kinh doanh của mình, phải “co cụm” lại để chỉ dồn vốn cho 1-2 dự án. Nhiều DN cũng trở nên dè dặt hơn khi công bố dự án và phương án huy động vốn. Chủ đầu tư một dự án đang chuẩn bị triển khai tại khu Nam Sài Gòn, cho biết bạn bè tin tưởng xin góp vốn đầu tư nhưng vẫn không dám nhận,  mặc dù rất cần tiền, nguồn vốn lâu dài cho dự án thì chưa rõ ràng, nên DN này đang rất lúng túng.

Có ý kiến lo ngại trong tình hình này các DN kinh doanh địa ốc vừa và nhỏ (chiếm đa số) đang đứng trước nguy cơ bị các “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc nước ngoài lấn át. Do đó, để tồn tại và phát triển, nhiều DN kinh doanh địa ốc trong nước liên kết lại với nhau, thậm chí hợp tác với NĐT nước ngoài để làm ăn. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) đề nghị các DN nên liên kết với các NĐT nước ngoài để tiếp cận nguồn vốn mạnh. Một bên có vốn, một bên am hiểu thị trường thì cơ hội thành công sẽ lớn hơn.

Bên cạnh đó, thị trường địa ốc rất cần sự tham gia và góp sức của thị trường tín dụng. Ngân hàng cần có cơ chế cho vay kinh doanh địa ốc mạnh hơn; xây dựng hệ thống chính sách bảo lãnh cho vay tín chấp; giải quyết cho vay. Việc các ngân hàng tham gia vào thị trường địa ốc  không chỉ giúp các DN kinh doanh địa ốc có đủ nguồn lực hoạt động mà còn góp phần giúp người dân có nhu cầu nhà ở có điều kiện tiếp cận với các dự án dễ dàng hơn. Thời gian qua, nhiều ngân hàng liên kết với chủ đầu tư cho khách hàng vay để mua nhà, thời hạn lên đến 20 năm, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế làm người mua chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận, nhất là những người thu nhập thấp, không ổn định.

Bài toán vốn cho các DN kinh doanh địa ốc vẫn còn hết sức khó khăn, nếu không kịp tháo gỡ chắc chắn thị trường địa ốc sẽ còn nhiều bất ổn do đầu ra không ổn định.

Đỗ Bình Minh

Tin cùng chuyên mục